Mùa… chuối rụng

Kinh tế - Ngày đăng : 09:09, 16/06/2021

BT- Giữa tháng 6, những cơn mưa đã dày hơn trên mặt đất rẫy bên sườn núi. Bùn đất nhão nhoét dưới chân, quệt lên cả buồng chuối. Mùa này, 25 ha chuối cấy mô tại xã Gia An, Tánh Linh đang kỳ chín rộ, nhưng khổ nỗi chẳng có lấy một người mua…
Chị Hồng và vườn chuối đang chín rộ.

Được mùa, mất… thị trường

Thời điểm này, trước tác động lớn của đại dịch Covid-19, cả nước đang cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân các tỉnh, thành phố và Bình Thuận cũng không ngoại lệ. Ngoài mặt hàng trái thanh long tươi và các nông sản lợi thế khác gặp khó khăn trong tiêu thụ, giá bán thấp, thì loại trái cây có quy mô nhỏ lẻ được trồng theo hộ gia đình như chuối cấy mô cũng rơi vào cảnh tương tự.

Vài năm trở lại đây, sản phẩm chuối cấy mô đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Âu và tiêu thụ trong nước. Do dễ thích nghi với nhiều chân đất, ít tốn công chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao, nên chuối trở thành cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương. Riêng tại huyện Tánh Linh, thời gian qua có một vài hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư trồng chuối cấy mô để phát triển kinh tế, cho năng suất cao. Tuy nhiên, do vào thời điểm này tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ, mà hộ gia đình chị Đặng Thị Hồng, thôn 8, xã Gia An (Tánh Linh) là một ví dụ.

 Chúng tôi theo chị Hồng vào trong khu đất thuê 25 ha đang trồng chuối cấy mô. Sau hơn 1 năm mua giống trồng, chăm sóc, đây là thời điểm chuối cho thu hoạch lứa đầu, lứa hai. Vượt qua đoạn đường rẫy gập ghềnh, dính đầy bùn đất do mưa, trước mắt chúng tôi là một vùng chuối rộng lớn đã bị chặt hạ, đủ thời gian mọc lên những chồi lá xanh.

Vườn chuối đã bị chặt hạ.

Chị Hồng chân đi ủng, tay cầm liềm tiến gần những buồng chuối còn sót lại, tranh thủ hái chuối chín cho vào giỏ. Chị cho biết, diện tích trồng chuối từ năm ngoái đến nay là 25 ha, hiện đang thời kỳ thu hoạch, chín rộ. Tuy nhiên, do giá bán quá rẻ, không có người mua, nên cách đây 10 ngày, gia đình đã chặt hạ 12 ha, tính chuyển trồng loại cây khác. Chỉ tay về phía đối diện, chủ vườn tỏ vẻ buồn rầu: Hiện 13 ha chuối còn lại đang chín la liệt trên cây mà không có ai hỏi mua, khiến bao tiền của, công sức đầu tư đổ xuống sông, xuống biển.

 Chín rộ

Tôi cùng chủ vườn vượt qua con kênh nhỏ, vào tận sâu từng dãy chuối um tùm, phủ đầy lá khô. Cộng thêm những cơn mưa đầu mùa, gió lốc khiến nhiều cây chuối bị đổ gục xuống đất. Hầu hết mỗi gốc đều mang trên mình những buồng chuối cấy mô trái lớn nhỏ, đã bắt đầu chín nhũn trên cây.

Chị Hồng nhớ lại: Cách đây hơn 1 năm, khi mô hình trồng chuối cấy mô phát triển trên địa bàn, gia đình đã thuê đất, mua giống cây ở Đồng Nai về trồng. Theo tính toán, số tiền bỏ ra đầu tư cho mỗi sào khoảng 15 triệu đồng, gồm giống, phân bón, công lao động và bạt phủ gốc… Quá trình chăm sóc, gia đình phải thuê công lao động với giá từ 220.000 - 320.000 đồng/lao động/ngày để chăm sóc đến khi thu hoạch. Nhưng nay chuối đến kỳ thu hoạch không bán được nên đành thả liều.

 “Loại chuối cấy mô vừa dễ trồng, lại có năng suất cao, nên mỗi buồng chuối nặng từ 20 - 30 kg, thậm chí nhiều buồng nặng đến 50 - 60 kg, nếu bán với giá khoảng 10.000 đồng/kg, thì người trồng mới có lãi. Đằng này…!”- chị Hồng bỏ ngang câu nói. Thật tiếc thay, từ khi trồng đến nay, gia đình chị chưa bán được lứa chuối nào do ảnh hưởng dịch Covid-19. Chủ vườn chỉ nhớ cách đây vài tháng, giá bán chuối cấy mô chỉ được thương lái hỏi mua với giá 1.700 đồng/kg nhưng phải là hàng tuyển lựa, trong khi chi phí thu hoạch, vận chuyển khó khăn nên gia đình xác định thua lỗ…

Còn thời điểm hiện tại, khi không có thương lái nào đến hỏi mua vì ảnh hưởng dịch bệnh, hàng ngày vợ chồng chị Hồng “đánh” chiếc xe máy cày của gia đình chạy sâu vào trong rẫy, chở theo mấy buồng chuối đã chín rụng về nhà. Hơn 12 ha chuối đã chặt hạ, nay cũng chưa biết trồng lại cây gì. Chứng kiến sự việc của họ, tôi thấy lòng nặng trĩu…!

Kiều Hằng