Kêu gọi cộng đồng chung tay bảo tồn rùa biển

Xã hội - Ngày đăng : 11:08, 28/12/2018

BTO- Sáng 27/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phối hợp với Hội nông dân huyện Tuy Phong phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết Dự án bảo tồn rùa biển và phát triển du lịch sinh thái bền vững tại khu bảo tồn biển Hòn Cau (gọi tắt là Dự án). Rùa biển là loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu. Khu bảo tồn biển Hòn Cau là nơi xuất hiện nhiều rùa biển, nhất là vào mùa sinh sản. Với mục tiêu ngăn chặn sự gia tăng và giảm thiểu các môi đe dọa đối với các bãi đẻ của rùa biển có sự tham gia của cộng đồng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn vốn thiên nhiên cho phát triển du lịch sinh thái, năm 2016, được sự tài trợ của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) về Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) tại Việt Nam, Dự án bảo tồn rùa biển và phát triển du lịch sinh thái bền vững được triển khai tại khu bảo tồn biển Hòn Cau, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Trong 2 năm thực hiện dự án, Tuy Phong đã tổ chức ký kết với 500 ngư dân tại 8 xã, thị trấn cam kết không xả rác, túi nylon, ngư lưới cụ hỏng… xuống biển nhằm hạn chế rùa ăn phải hoặc dính vào lưới chết. Đồng thời để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ rùa biển, Ban điều hành dự án phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp huấn về quy trình cứu hộ rùa biển, kêu gọi cộng đồng, khách du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn trên địa bàn cùng chung tay bảo vệ rùa, không sử dụng, tiêu thụ và buôn bán rùa… Ông Nguyễn Thanh Phúc - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho biết: không chỉ bảo vệ và cứu hộ thành công rùa và trứng rùa trong mùa sinh sản mà dự án còn giúp thay đổi nhận thức của ngư dân và cộng đồng. Nhiều ngư dân đã tự giác thả lại rùa biển khi mắc lưới, giao nộp lại rùa khi vô tình bắt được, cung cấp thông tin về rùa…

Bên cạnh đó, Ban điều hành dự án đã vận động và thành lập được 3 nhóm tình nguyện viên, cộng tác viên và cứu hộ tổ chức theo dõi rùa sinh sản, tuần tra kiểm soát quanh đảo và kịp thời cứu hộ rùa sinh sản… Nhờ vậy, tình hình ghe thuyền khai thác thủy sản không còn neo đậu trong vũng lõi Khu bảo tồn, tình trạng săn bắt rùa và lấy trộm trứng không còn diễn ra. Thực tế, 100% rùa mẹ lên bãi đẻ được an toàn và các ổ trứng được bảo vệ thành công. Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau thời gian qua cũng đã phát hiện được 44 ổ trứng, di dời kịp thời 30 ổ về vườn ươm để ấp trứng và đưa trả về biển 2234 rùa con, tỷ lệ ấp nở đạt trên 80%. Đồng thời, Dự án cũng đã hỗ trợ 4 hộ ngư dân chuyển đổi phương án sinh kế từ tàu khai thác thủy sản sang phục vụ khách tham quan du lịch tại đây. Các đại biểu dự hội nghị, cho rằng: Khu bảo tồn biển Hòn Cau có nhiều lợi thế về đa dạng sinh học, có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái. Thêm vào đó, việc bảo vệ rùa thành công sẽ tạo tiền đề phát triển loại hình du lịch tìm hiểu, trải nghiệm về rùa biển. Tuy nhiên, để phát triển du lịch, địa phương cần cân nhắc đến yếu tố đảm bảo môi trường, không phá vỡ tổng thể, du lịch phải gắn với bảo tồn biển và môi trường sinh thái…Tại hội nghị lần này, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) về Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) tại Việt Nam cũng đã ký kết với Hội Nông dân huyện Tuy Phong, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau chuyển giao Quỹ sinh kế bảo vệ rùa. Nguồn quỹ này sẽ hỗ trợ ngư dân có các hoạt động khai thác gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rùa biển chuyển đổi nghề khai thác, dịch vụ phù hợp hơn.

Q.Nhân