“Ký giả” và đôi điều học hỏi
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 15:34, 18/06/2021
“Ký giả”, Nhà xuất bản Thanh Niên, xuất bản quý III năm 2015, tập hợp 40 bài viết, khắc họa vắn tắt chân dung của 44 nhà báo, cùng giới thiệu lướt qua một vài nhà báo khác, ở Trung ương có, địa phương có, cả những nhà báo kỳ cựu lớn tuổi, đến những nhà báo trẻ, giảng viên học viện báo chí và tuyên truyền, mà anh có điều kiện làm việc cùng, chịu sự quản lý hoặc trực tiếp quản lý phóng viên ấy, hoặc là những người bạn đồng nghiệp, trải dài từ Bắc đến Nam.
Tựa bài của những bài viết trong tập sách ngắn gọn, có bài chỉ với 3 chữ (Phố nhà binh, Người đưa tin), đến tựa bài dài nhất là 7 chữ (Trong truyện Kiều có tin và ảnh).
Qua 440 trang in, bao thông tin mà độc giả nhận được từ “Ký giả”. Chuyện nghề báo, chuyện đời, cùng tài năng, sự nỗ lực, tính cách, đạo đức, một vài thói quen trong sinh hoạt… của những nhà báo được đề cập trong tập sách lúc hiện rõ, lúc thoáng qua theo từng trang viết của nhà báo Phạm Quốc Toàn.
Với tôi, một người đã về hưu, coi việc viết báo như có thêm niềm vui, tôi tìm thấy ở “Ký giả” một số điều học hỏi được cho việc viết báo nghiệp dư của mình. Những điều ấy là:
Tình yêu, niềm đam mêcông việc viết báo, làmbáo
Để có thể gắn bó với nghề nhiều chục năm, hoặc trọn đời, hầu hết các nhà báo đều có niềm đam mê, tình yêu với công việc viết báo, có thể có người, ngay từ lúc học xong phổ thông đã vào nghề viết; cũng có người, từ một công việc khác mới bước sang nghề báo.
Nhà báo Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam (giai đoạn 1988 – 1993) đã từng trả lời câu hỏi của nhà báo Phạm Quốc Toàn: “Nếu bây giờ được chọn lại, anh sẽ chọn nghề gì?” - “Nghề báo. Kiếp sau dứt khoát vẫn là nghề báo. Tôi yêu nghề báo từ lúc chập chững vào đời”.
Hữu Thọ, một trong những nhà báo kỳ cựu, nổi tiếng trong làng báo. Ông đã từng là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, rồi Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Nhà báo Phạm Quốc Toàn đã viết về ông: “Hữu Thọ là một trong những cây đại thụ của nền báo chí đương đại”… “Hữu Thọ là một trong số những nhà báo nghiên cứu sâu tư tưởng và đạo đức báo chí Hồ Chí Minh”; “Ông còn là một trong những nhà báo bậc đàn anh, nêugương học tập vàlàmtheo đạo đức báo chí Hồ Chí Minh trong hành nghề - tác nghiệp”. Phạm Quốc Toàn đã rất quý lòng yêu nghề của nhà báo đàn anh Hữu Thọ: “Hữu Thọ rất tâm đắc một điều, đó là đạo làm nghề, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm nghề”. Nhà báo Hữu Thọ đã từng nói: “Làm cái nghề này phải mắt sáng, lòng trong, bút sắc thì mới nên nghề”. Cùng tấm lòng yêu nghề của rất nhiều nhà báo khác.
Học cách lưu trữ, sắp xếp tư liệu để viết báo, học cách viết
Ở bài: “Ngòi bút thông tuệ”, Phạm Quốc Toàn đã có những trang viết thể hiện sự khâm phục, ngưỡng mộ, cùng những tình cảm trân trọng, quý mến của ông đối với nhà báo Phan Quang, một nhà báo đã từng giữ rất nhiều cương vị quan trọng, từ Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, đến Vụ trưởng Vụ Báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Tổng Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội 3 khóa, Tổng Thư ký, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam…
Nhà báo Phạm Quốc Toàn đã viết về cách nhà báo Phan Quang làm tư liệu báo chí: “Ông làm tư liệu công phu, tỉ mỉ, khoa học. Cần bất cứ tài liệu gì, chỉ trong vòng dăm ba phút, ông đã tìm được ngay từ hồ sơ lưu giữ”. Trả lời câu hỏi của nhà báo Phạm Quốc Toàn về việc bằng cách nào để có những tác phẩm giàu tư liệu, ngồn ngộn thông tin, nhà báo Phan Quang đã nói: “Đọc, đi, nghĩ, viết. Có vấn đề gì đó chưa tỏ ngọn ngành, tôi vào thư viện lục tìm, khảo cứu từ sách báo nước ngoài, hỏi han các chuyên gia. Biết mười viết một. Cái gì chưa nắm chắc, dứt khoát không viết”.
Nhà báo Phạm Quốc Toàn đã viết về nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, Thiếu tướng Trần Công Mân: “Với ông, tổng biên tập là một nghề, một nhà báo thực thụ và trí tuệ. Hầu như bất cứ bài viết nào mà tôi (và các đồng nghiệp khác) trình lên ông, câu hỏi đầu tiên ông nêu ra: “Có gì mới không?” Bài viết không có gì mới – không mới về ý, về cách lập luận, diễn giải, trình bày, không đem đến cho bạn đọc thông tin gì mới, ông không bao giờ duyệt đăng. Cái mới đối với ông là tiêu chí hàng đầu của một bản tin, một bài báo, của nghề báo, là điều không cho phép bất cứ nhà báo nào coi nhẹ”.
Tiếp nhận những thông tin hữuích
Là người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nhiều năm, nhà báo Phạm Quốc Toàn có điều kiện tiếp xúc với nhiều người, gặp gỡ, làm việc cùng nhiều đồng nghiệp. Có những phần trong tập sách “Ký giả”, bạn đọc được nhận những thông tin mới, hoặc được gợi nhớ về những điều mình đã được biết thoáng qua trước đây.
Đọc bài “Đức độ - Nghĩa tình” viết về nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Tổng Giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Ảnh Việt Nam, và đặc biệt rất nhiều cử tri Bình Thuận biết đến nhà báo Lê Quốc Trung là một người lịch lãm, trách nhiệm khi là đại biểu Quốc hội khóa XII của tỉnh Bình Thuận. Qua bài viết, độc giả được biết nhà báo Lê Quốc Trung là con trai cụ Lê Hữu Lập, một trong những người giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 1958 đến năm 1969. Cụ là Trưởng phòng Văn thư của Văn phòng Chủ tịch nước, hàng ngày có mặt bên cạnh Bác Hồ. “Cụ Lê Hữu Lập được Bác Hồ giao giữ sổ tiết kiệm hằng tháng – Bác có thói quen dành dụm một khoản tiền lương tiết kiệm được và tiền nhuận bút viết báo để khi cần thì mua quà tặng bộ đội”.
Bài “Cương trực, quyết đoán” viết về nhà báo Võ Như Lanh, Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh (khi anh mới ngoài 30 tuổi), rồi Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Tổng Biên tập đầu tiên của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, giúp người đọc rõ rằng: “3 điểm cốt yếu trong hoạt động của Báo Tuổi Trẻ, đó là: làm báo chuyên nghiệp; báo chí thực hiện phản biện xã hội hướng về cơ sở, bạn đọc; báo chí phản ánh và nghị luận kịp thời mọi sự kiện của đất nước, nhân dân”.
Ở bài “Vượt lên chính mình”, tác giả Phạm Quốc Toàn đã giới thiệu với chúng ta: “Trong làng báo Việt Nam – khắp các vùng miền đất nước – có nhiều “nữ tướng” viết báo giỏi, quản lý cơ quan báo chí hay, làm kinh tế báo chí cừ khôi, đảm việc nhà, lo tròn việc nước”. Anh đã giúp độc giả có một cái nhìn lướt qua về 4 Tổng Biên tập của 4 tờ báo 4 tỉnh miền Tây Nam Bộ: Nguyễn Thị Bạch Vân (Báo Ấp Bắc – Tiền Giang), Lê Minh Khanh (Báo Trà Vinh), Huỳnh Ngọc Minh (Báo Kiên Giang), Ngô Hồng Đào (Báo Hậu Giang).
Về việc học tập của một số nhà báo
Làm công việc viết báo, làm báo ảnh, đòi hỏi nhà báo phải được học tập chuyên sâu. Không ít nhà báo chuyên nghiệp đã được đào tạo từ nước ngoài.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân Đội Nhân dân, rồi Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới, là một trong những gương mặt quen thuộc với báo giới, là cây bút bình luận sắc sảo, tài hoa, đã 9 lần được nhận Giải báo chí toàn quốc, Giải báo chí quốc gia, trong đó có 5 giải A. Anh đã từng tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài, Đại học Tổng hợp Bucharest – Rumania.
Bài viết về nhà báo Trần Hữu Minh, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Viêng Chăn (Lào), Bangkok (Thái Lan), có nội dung: Trần Hữu Minh rất giỏi tiếng Thái, thông thạo tiếng Đức. Ông đã từng được đào tạo 6 năm đại học nhiếp ảnh tại một trường đại học ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Độc giả mới hay rằng: Ở Đức, chương trình đào tạo nghề ảnh, từ trước đây rất lâu đã có phần chụp ảnh khỏa thân. Nhà báo Hữu Minh đã tâm sự: “Tuổi trẻ, học nghề ảnh ở Đức, tôi bị các thầy trừ điểm, hạ từ giỏi xuống khá vì không nộp bài tập ảnh khỏa thân. Ảnh khỏa thân là ảnh nghệ thuật tuyệt vời, quan trọng là góc chụp, nhưng chẳng hiểu tâm tính ra sao mà tôi lại rất ngại”.
Trong phạm vi một bài viết, khó có thể chuyển tải hết những điều mà nhà báo Phạm Quốc Toàn gởi đến độc giả qua tập “Ký giả”. Bạn đọc nhận được nhiều thông tin từ những điều mà nhà báo- tác giả Phạm Quốc Toàn chắt lọc được, từ những cuộc trò chuyện, phỏng vấn, từ sự am hiểu của anh về nghề báo, về những người làm báo, nhất là về những đồng nghiệp từng làm việc chung với anh ở Báo Quân đội Nhân dân, về công tác Hội Nhà báo, được khắc họa qua những bài viết chân dung ký giả của anh, ngắn nhưng sắc nét, tạo những ấn tượng sâu trong lòng người đọc.
Anh hiện đang phụ trách một chuyên mục trên báo Bình Thuận cuối tuần. Bạn đọc Bình Thuận mong tiếp tục đọc được những bài viết mới của nhà báo Phạm Quốc Toàn, đọc những ý kiến bình luận khác của anh về các vấn đề mà bà con nhân dân tỉnh ta và bạn bè gần xa đang quan tâm. Hy vọng rằng, những bài viết của anh, với rất nhiều bài viết của các nhà báo chuyên nghiệp khác trong và ngoài tỉnh, của các cộng tác viên, để Báo Bình Thuận của chúng ta ngày càng đa dạng thông tin, ngày càng hay hơn, hữu ích hơn nữa đối với độc giả.
Minh Trí