Xin đừng đánh bắt tận diệt!
Xã hội - Ngày đăng : 08:20, 04/01/2019
Nhiều tôm, cá, mực chưa kịp lớn đã được bày bán khắp chợ. |
Các ngư dân cũng cho biết, nguồn hải sản bị suy giảm một phần là do biến đổi khí hậu, nhưng nguyên nhân chính vẫn do nhiều ngư dân đánh bắt bằng nghề giã cào, hoặc bằng đèn công suất cao, lưới mắt nhỏ, đánh bắt vào mùa cá sinh sản... Nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nhưng lại không có ý thức bảo vệ, tái tạo. Đi chợ, tôi cũng thường xuyên thấy những thau cá, mực con được bày bán. Thậm chí đây là món yêu thích của nhiều người hiện nay. Nắm được điều này nên bà con ngư dân đua nhau tận thu cá con, mà không nghĩ đến hậu quả là việc tận diệt cá non sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái…
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 7.700 tàu thuyền. Trong đó, số tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ (trên 90CV) là hơn 2.000 chiếc, số còn lại là tàu đánh bắt gần bờ. Đây là con số rất lớn, làm mất cân bằng giữa năng lực khai thác và khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi. Việc đánh bắt bằng nghề giã cào thời gian qua cũng làm cho nguồn lợi hải sản đang dần cạn kiệt. Lượng hải sản chưa trưởng thành nhưng đã bị khai thác chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng 30 - 40%. Bên cạnh đó, theo đánh giá của cơ quan chức năng, sản lượng hải sản khai thác mấy năm gần đây đã gần đạt đến ngưỡng cho phép khai thác. Thậm chí, ở một số vùng biển có độ sâu dưới 30m, sản lượng đánh bắt đã vượt giới hạn cho phép! Thông tin mới đây nhất, sắp tới có thể Việt Nam sẽ cấm một số nghề đánh bắt hải sản, ban đầu khoảng 1 tháng sau đó có thể tăng lên... vì nguồn hải sản đang cạn kiệt. Tuy nhiên, nhiều vấn đề được đặt ra xung quanh lệnh cấm đó bởi ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân.
Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng như ngư dân đang nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” do Ủy ban châu Âu EC quy định đối với việc khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định sau khi được gia hạn thêm đến tháng 1/2019. Tuy nhiên, việc gỡ “thẻ vàng” chỉ là phần ngọn. Về lâu dài, cần phải giải quyết tận gốc việc đánh bắt trái phép, hoàn thiện hơn nữa thể chế và năng lực quản lý nghề cá. Cùng với đó, việc cấp bách nhất hiện nay là nước ta cần ban hành đủ các văn bản pháp luật để hạn chế việc khai thác bất hợp pháp, xây dựng thể chế phù hợp với quy định của quốc tế. Giải pháp mang tính then chốt là phải làm thế nào để người dân nhận thức được việc chấm dứt khai thác thủy sản tận diệt là cách tốt nhất để tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, duy trì nguồn sống lâu dài của chính bản thân họ, giữ cho biển mãi là nguồn sống bền vững, là “biển vàng” của ngư dân.
M.Vân