Tôi tập viết báo và làm cộng tác viên
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 10:50, 21/06/2021
Sau mỗi bài viết gửi đi là những ngày dài hồi hộp, mong chờ. Với tôi, giây phút hạnh phúc nhất chính là giây phút khi nhìn thấy bài viết của mình được đăng trang trọng trên tờ báo, nhất là Báo Bình Thuận. Để có những “đứa con tinh thần ấy” tôi cũng phải vất vả để làm đề cương, cập nhật tin tức, phải thẩm định tính chính xác, chân thực; tối về cặm cụi viết viết, xóa xóa, sửa đi sửa lại nhiều lần... mới ra được “sản phẩm” cuối cùng để gửi đăng báo.
Là người tham gia giảng dạy chính trị, nên tôi thường viết các bài cho tạp chí chuyên ngành hoặc về mãng khoa học chính trị. Khi tập viết cho báo Bình Thuận, tôi luôn xác định viết thế nào cho đúng, cho hay? Một câu hỏi tưởng chừng như rất dễ nhưng xem ra lại không đơn giản chút nào. Làm thế nào để bài báo trở nên hấp dẫn đối với công chúng và có ý nghĩa xã hội? Điều đó đòi hỏi bản thân phải lao động miệt mài và sáng tạo không ngừng để mỗi một vấn đề, một sự kiện qua ngòi bút của mình trở nên có sức hút đối với công chúng. Vì vậy, khi viết, tôi buộc phải nén thông tin vào rất ít dòng nhưng phải chuyển tải vấn đề cần thông tin. Điều này có nghĩa là không có chỗ cho các câu văn hoa sáo rỗng.
Trước đây khi chưa học viết báo, tôi không thể nào hình dung nổi sự phức tạp và khó khăn của nghề báo. Nhưng khi đã tập viết, cộng tác đôi bài với báo Bình Thuận, tôi thấy nghề báo không chấp nhận sự lười biếng, thiếu sáng tạo dù là làm báo Trung ương hay báo Đảng địa phương. Tuy nhiên để có thể tự khẳng định mình, thì bản thân phải thực sự “yêu nghề” và “biết dấn thân” như một phóng viên thực thụ. Khi biết tôi làm “cộng tác viên” với báo Bình Thuận nhiều người tỏ vẻ ái ngại vì cho rằng đàn ông làm thầy giáo dạy chính trị mà viết báo nữa thì vất vả đủ đường, vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa phải viết sao cho đúng, trúng...Do đó, khi viết xong mỗi bài, tôi thường tìm đến các phóng viên, các anh chị đã cộng tác nhờ họ đọc, sửa đi, sửa lại nhiều lần mới có bài báo trọn vẹn để được đăng.
Khi một bài viết gửi đi, dù là bài dài hay chỉ một mẩu tin nhỏ, song luôn được tòa soạn tiếp nhận, biên tập và đăng tải nếu phù hợp là điều hạnh phúc của người cộng tác như chúng tôi. Có những tin, bài, để làm rõ một chi tiết, các anh chị biên tập viên, phóng viên gọi điện trao đổi cặn kẽ với tôi - điều đó bản thân cảm thấy được tôn trọng, được chia sẻ. Điều đó không chỉ thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của tòa soạn mà còn giúp tôi học hỏi được nhiều điều về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp tác nghiệp để có những bài viết hay hơn, chất lượng hơn.
Cùng với đó, báo Bình Thuận còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, gặp mặt các thông tin viên, cộng tác viên tiêu biểu; tiền nhuận bút, báo biếu cũng luôn được tòa soạn gửi tới tác giả kịp thời... những lúc đó, đội ngũ cộng tác viên như chúng tôi trở thành cánh tay nối dài của tòa soạn. Từ sự quan tâm, chu đáo của tòa soạn đã tạo niềm tin, tinh thần phấn khởi để chúng tôi tích cực, trách nhiệm hơn mỗi khi cộng tác với báo Bình Thuận.
Có người nói vui và động viên tôi rằng: “Ông vừa được nói (bài viết được đăng) vừa được gói (tiền nhuận bút) đem về, mắc gì mà không viết, miễn sao ông đừng viết trật là được”.
Ngày nay, với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cuộc cách mạng “báo chí 4.0” không thể thay đổi được cái tâm của nhà báo cũng như đội ngũ cộng tác viên chân chính. Nhà báo, cộng tác viên được xã hội tin cẩn, được mệnh danh là người đại diện cho công bằng, lẽ phải, là tai mắt của nhân dân, là người có trọng trách thông tin định hướng dư luận, khơi chiều suy nghĩ và hành động cho công chúng…thì càng phải rèn tâm, luyện đức, phải lấy cái đức làm gốc của nghề nghiệp, cái tâm nhất quán phải soi sáng trong từng tác phẩm báo chí, mỗi bài viết cộng tác. Bởi vì, ở đó là ngôn từ, là phương tiện phản chiếu cái tâm, cái đức của người viết - tâm phải cao, đức phải sáng. Suy cho cùng, báo chí phải phục vụ hết mình cho sự nghiệp lãnh đạo của Đảng, công cuộc phát triển đất nước, vừa bảo vệ bình yên xã hội, bình yên dưới những nếp nhà, bình yên trong lòng người.
Ái khanh