Sách mới, phụ huynh lo lắng cho con học trước lớp 1
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 09:55, 25/06/2021
Sách mới nặng hơn sách hiện hành
Nếu hỏi các chuyên gia giáo dục, các nhà tâm lý rằng: “Có nên cho trẻ học trước lớp 1 không?” chúng ta sẽ nhận được hàng chục những tác hại được liệt kê ra như việc học trước sẽ tạo ra áp lực cho trẻ, làm trẻ sợ học, chán học, khi trẻ biết rồi sẽ ỷ lại và ngồi chơi, sẽ lơ là không tập trung trong giờ học…
Tất cả những lý do nêu trên hoàn toàn đúng. Thế nhưng trong tình hình hiện nay, nhiều người cho con đi học trước, không đợi đến lúc bé gần vào lớp 1 mới cho đi học chữ mà khá nhiều gia đình đã cho con đi học từ khi bé mới 4 - 5 tuổi. Khi vào lớp 1, nhiều em đã đọc thông viết thạo nhưng con bạn lại hoàn toàn chưa biết gì liệu sẽ ra sao đây?
Nếu con bạn thật sự chưa biết gì về âm vần, chưa biết cả cách cầm bút sẽ học thế nào trong cả một tập thể như thế? Điều nhận thấy đầu tiên con bạn sẽ trở thành “con vịt lạc đàn” của lớp.
Dạy trẻ lớp 1, đâu đơn giản chỉ cho đọc âm, vần? Khó nhất với giáo viên lớp 1 là hướng dẫn cách cầm bút, cách viết con chữ đúng ô li, đúng độ cao, đúng khoảng cách giữa các chữ với nhau. Rồi cách phát âm cho tròn vành, rõ chữ. Có những học sinh dạy hoài, dạy mãi vẫn chưa thể làm được.
Với các bé nhanh nhẹn còn đỡ, những bé có nhận thức chậm thì mỗi ngày chỉ cần chậm hơn bạn một chút và nhiều ngày như thế các bé sẽ đuối dần, đuối dần… Giáo viên tập trung quá nhiều cho một vài em, hàng chục em khác sẽ ngồi chơi, quậy phá. Ngoài ra, chương trình lớp 1 mới được nhiều người đánh giá là nặng hơn so với chương trình hiện hành. Mỗi ngày bắt buộc các em phải học, phải nhớ một lượng kiến thức không hề nhẹ.
Nếu so nội dung kiến thức cần đạt của sách giáo khoa lớp 1 mới với sách giáo khoa lớp 1 hiện hành quả thật kiến thức mới nặng hơn khá nhiều. Nếu như trước đây, học sinh lớp 1 mỗi ngày học từ 1 - 2 âm vần thì sách mới phải học từ 2 - 3 thậm chí đến 4 âm vần.
Nếu như chương trình hiện hành, cuối học kỳ 2 học sinh lớp 1 còn đang được nhìn chép thì ở chương trình mới các em đã phải nghe viết từ giữa học kỳ 1. Dung lượng bài đọc của học sinh lớp 1 hiện hành yêu cầu 80 chữ thì sách mới đã tăng lên 130 chữ.
Bởi thế, những bài tập đọc của học sinh chương trình mới thường dài lê thê. Đây là một thách thức không chỉ đối với học sinh mà còn đối với cả giáo viên giảng dạy. Và trong thực tế một năm học áp dụng chương trình mới đối với học sinh lớp 1 vừa qua, đã cho thấy cả cô và trò đều rất vất vả trong việc dạy và học.
Có nên cho trẻ học trước lớp 1?
Không thể lấy công thức chung (học trước hay không) để áp dụng cho tất cả các học sinh. Phụ huynh cần kiểm tra để xem con mình thuộc nhóm học sinh nào để quyết định chọn cho các con cách học cho hiệu quả.
Nếu con bạn là những đứa trẻ phát triển bình thường thì ở nhà bạn chỉ cần cho các em học thuộc 29 chữa cái biết ghép âm vần. Có thể dùng cuốn sách lớp 1 hiện hành để hướng dẫn trước cho các con về âm vần và cách đọc tiếng, từ, câu đơn giản. Bạn mua cuốn vở tập viết, tập đồ để các con quen với cách cầm bút. Toán lớp 1 chương trình mới đã dạy cho các em dạng tách-gộp. Những dạng bài này trước đây, chúng tôi hướng dẫn cho học sinh lớp 2 nhưng học sinh cũng rất khó tiếp thu. Bởi thế, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ dạng toán này và hướng dẫn cho các con làm quen dần. Riêng với những học sinh có nhận thức khá chậm thì gia đình cần cho các con đi học trước, điều này càng vô cùng cần thiết cho các em.
Trong thực tế giảng dạy, chúng tôi đã gặp nhiều những học sinh có vấn đề về nhận thức. Dù giáo viên có nhiệt tình đến đâu, có dạy chậm cỡ nào, có chú ý đặc biệt đến những học sinh này thì các em vẫn rất khó theo kịp bạn bè.
Có những em học đi học lại chỉ một âm vần nhưng học sáng, học chiều, học đêm ngày mai vẫn quên hết. Với những học sinh này thì nhất định con bạn phải được đi học trước. Chúng tôi còn sợ rằng, dù đi học trước thì vào năm học nhiều khi các con còn khó theo kịp. Ngoài việc học kiến thức, cần giúp các con hình thành một số kỹ năng thiết yếu để bước vào lớp 1 đỡ bỡ ngỡ như: Kỹ năng giao tiếp, chào hỏi người trên, bạn cùng trang lứa, biết giới thiệu về bản thân, gia đình; kỹ năng nói lời cảm ơn, xin lỗi; kỹ năng nói lời đề nghị, nói với thầy cô, bạn bè… kỹ năng làm việc nhóm, biết trình bày suy nghĩ trước đám đông; kỹ năng chăm sóc bản thân…
Khi các con đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản một cách kỹ càng như thế thì chắc chắn sẽ hòa nhập tốt khi bước vào lớp 1.
Phan Tuyết