Vào vụ bắp lai hè thu
Kinh tế - Ngày đăng : 11:06, 28/06/2021
Bắp lai của hộ ông K’Giang. |
Giảm diện tích
Tại Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh mỗi ngày thường xuyên có những chuyến xe ra vào. Những bao bắp giống, phân bón được cán bộ Trung tâm Dịch vụ miền núi bốc lên xe rồi chở đi để kịp phân bổ về các cửa hàng đại lý ở các xã vùng cao của tỉnh cung ứng cho đồng bào DTTS sản xuất. Năm nay, mưa về sớm hơn, từ cuối tháng 5 những cơn mưa đầu mùa dày hơn, đất đủ độ ẩm nông dân đã bắt đầu cày ải xuống giống bắp lai. Toàn huyện Bắc Bình có 158 hộ đăng ký đầu tư ứng trước bắp lai với diện tích 312,4 ha. Các cửa hàng tại các xã vùng cao đang tiếp nhận đầy đủ các mặt hàng vật tư cho nông dân kịp mùa vụ. Tại xã Phan Lâm, nhiều diện tích bắp đã được 1 tháng tuổi phát triển xanh tốt. Anh Mang Lăng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phan Lâm cho biết: “Vụ bắp hè thu năm nay, toàn xã có 18 hộ đăng ký đầu tư ứng trước với 26 ha, lượng bắp giống cung ứng về xã 360kg giống NK 7328. Nếu so với vụ mùa trước giảm chừng 8 ha do chuyển đổi sang trồng cây ăn trái”. Hộ ông K’Giang ở thôn 1, trồng 6 sào bắp, trên diện tích bắp cây con phát triển 9 lá của gia đình những ngày qua bắt đầu đã xuất hiện rải rác một vài cây bắp có vết sâu ăn lá. Ông K’Giang đang chuẩn bị đợt phun thuốc trừ sâu thứ ba kể từ khi xuống giống, tay trộn đều các loại thuốc trừ sâu Akdan 75EC, Solo 350SC, Focal 80WG cho 1 lần xịt, ông than thở: “2 năm trở lại đây trồng bắp tốn kém chẳng có lời, mình ít vốn không trồng bắp cũng không biết trồng cây gì. Mỗi lần xịt tốn tiền thuốc trừ sâu 450.000 đồng, mỗi tháng xịt vài lần tốn tiền triệu”. Còn tại 2 xã vùng cao Hàm Cần, Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) nơi có diện tích trồng bắp hàng năm lên đến 800 ha, vụ mùa năm 2020 cũng bị thiệt hại nặng, giảm năng suất bắp do sâu keo. Vì vậy, mùa vụ năm nay huyện Hàm Thuận Nam chỉ có 247 hộ đăng ký trồng bắp lai với diện tích 518 ha giảm 248 ha do nhiều nông dân chuyển sang trồng cây mì.
Khó khăn từ đầu vụ
Ông Nguyễn Văn Chi – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh cho biết: “Hiện nay các vật tư gồm giống bắp lai các loại, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã chuẩn bị xong để cung ứng cho các cửa hàng đại lý ở các xã với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng. Tính đến ngày 22/6, toàn tỉnh có 895 hộ/1.413 hộ đăng ký chương trình với diện tích 1.651/2.462 ha đăng ký đã thực hiện ký hợp đồng sản xuất nhận cung ứng vật tư”. Cũng theo ông Chi, diện tích sản xuất bắp lai vụ hè thu năm nay giảm do tâm lý đồng bào e ngại bệnh sâu keo mùa thu đã chuyển sang cây trồng khác hoặc không sản xuất. Mặt khác, giá vật tư đầu vào đang tăng cao gây khó khăn cho nông dân.
Cửa hàng Phan Lâm chuẩn bị đầy đủ vật tư cung ứng cho đồng bào sản xuất. |
Cây bắp vẫn là cây trồng chủ lực cho giá trị kinh tế ở các vùng đồng bào DTTS, nhất là ở các khu vực đất dốc, vùng cao. 2 năm trở lại đây sâu keo mùa thu xuất hiện, khiến người dân rất vất vả, tốn kém trong phòng trừ, một số hộ phải mất trắng, thua lỗ. Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh đã tổ chức các đợt tập huấn hướng dẫn, cung ứng các loại thuốc trừ sâu được phép lưu hành trên thị trường cũng như liên hệ với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để hướng dẫn phương thức diệt trừ sâu keo. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao. Điều đáng e ngại là để chủ động bảo vệ năng suất cây bắp dễ dẫn đến tình trạng đồng bào lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây nguy hại sức khỏe, tác động xấu đến môi trường. Rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các ngành chức năng trong suốt tiến độ gieo trồng để mùa vụ sản xuất mới thắng lợi, hạn chế tối đa mức độ thiệt hại.
T.Duyên