Phát triển thị trường tiêu thụ nội địa phù hợp tình hình dịch bệnh

Kinh tế - Ngày đăng : 12:56, 30/06/2021

BT- Trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp, việc tập trung tăng cường phát triển thị trường thụ nội địa phù hợp tình hình thực tế là giải pháp hợp lý…
Thanh long - một trong những sản phẩm lợi thế của Bình Thuận được tạo điều kiện tiêu thụ.

Ghi nhận qua nửa đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Bình Thuận đạt hơn 29.370 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ năm ngoái (riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 20.883 tỷ đồng, tăng hơn 10%). Trước tác động của tình hình dịch bệnh, ngành công thương vẫn xúc tiến hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại địa phương. Trong đó đã tổ chức phiên chợ hàng Việt tại Phú Quý với gần 20 doanh nghiệp tham gia giới thiệu nhiều mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân huyện đảo. Ở đất liền, ngành chức năng cũng giải quyết xác nhận cho 4 hội chợ triển lãm, tuy nhiên chỉ có chương trình Hội chợ triển lãm của Công ty cổ phần Tập đoàn thương mại Quốc tế Expo diễn ra tại TP. Phan Thiết, còn lại đều bị tạm dừng do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngoài ra trong thời gian tới, ngành tiếp tục đăng ký triển khai đề án điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2022 đến Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt…

Kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, lây lan tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước thì ngành chức năng đã tính đến giải pháp tăng cường tiêu thụ nội địa bằng hình thức phù hợp tình hình thực tế. Như đề nghị Sở Công Thương các tỉnh thành bạn hỗ trợ tuyên truyền, kết nối tiêu thụ thanh long Bình Thuận mà nhất là kết nối đến các doanh nghiệp, cơ sở phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại… Theo đó gởi kèm thông tin một số đơn vị kinh doanh của tỉnh (Công ty TNHH MTV Rau quả Bình Thuận, HTX Thanh long Thuận Tiến, HTX Thanh long sạch Hòa Lệ, HTX Thanh long hữu cơ Phú Hội, HTX Thanh long Hàm Đức, HTX Thanh long Hàm Kiệm) kể cả giá bán và khả năng cung cấp.  Mới đây, Sở Công Thương cũng dự thảo kế hoạch hỗ trợ, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 để tham mưu UBND tỉnh xem xét ban hành. Theo đó cho biết diện tích thanh long toàn tỉnh hiện có 33.750 ha (được chứng nhận VietGAP là 11.936 ha và GlobalGAP khoảng 517 ha), dự kiến sản lượng thu hoạch trong nửa cuối năm 2021 đạt 437.000 tấn. Đối với thủy sản (gồm sản phẩm khai thác và sản phẩm chế biến), tính từ tháng 6 - 12 năm nay có thể đạt sản lượng khai thác khoảng 142.350 tấn và tôm thẻ chân trắng là 5.000 tấn…

Với sản lượng như trên, ngoài thúc đẩy xuất khẩu thì sản phẩm nông nghiệp lợi thế của Bình Thuận sẽ tập trung tiêu thụ nội địa và đẩy mạnh tiêu thụ trên nền tảng số, thương mại điện tử. Riêng với thanh long phấn đấu tiêu thụ 80.000 tấn với mức giá hợp lý thông qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại (Big C, Co.opmart, Lotte…), chợ đầu mối và chợ truyền thống. Bên cạnh đó tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online cũng được kỳ vọng đạt khoảng 25.000 tấn và đưa vào các doanh nghiệp, cơ sở chế biến là 52.000 tấn.

Từ tình hình thực tế, việc chủ động xây dựng kịch bản tiêu thụ nông sản trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ góp phần đảm bảo cho địa phương thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới…

Đ.QUỐC