Ứng phó bệnh dịch tả lợn châu Phi: Kiểm soát chặt chẽ vận chuyển lợn vào tỉnh
Xã hội - Ngày đăng : 11:07, 12/03/2019
Phun thuốc sát trùng xe chở động vật tại chốt kiểm dịch tạm thời ở xã Tân Đức (Hàm Tân).
PV: Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, Bình Thuận đã chủ động ứng phó như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Vấn: Mặc dù đến thời điểm này Bình Thuận chưa ghi nhận có dịch bệnh này. Tuy nhiên, để chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn. Chi cục đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi như: Hàng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống... Trường hợp đàn lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh. Chi cục cũng đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất. Đến nay, các địa phương đã phun khử trùng được 1.293 lít thuốc sát trùng. Đồng thời, chi cục tham mưu sở thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Bình Thuận cũng như tham mưu thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời để kiểm soát và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào tỉnh ta.
Công tác phòng chống dịch bệnh này có những khó khăn nào thưa ông?
Đây là dịch bệnh mới đối với các nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam nên công tác triển khai phòng chống còn lúng túng. Bệnh này hiện nay không điều trị được và cũng không có vaccin để phòng ngừa. Bình Thuận ngoài tuyến quốc lộ 1A đi qua còn rất nhiều đường giao thông kết nối với các tỉnh giáp ranh nên việc lập chốt kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự phát mà cơ quan chuyên môn không kiểm soát được, đây cũng là nguy cơ lớn phát tán mầm bệnh. Ngoài những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên dịch bệnh ít xảy ra. Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi gia trại vẫn còn chiếm số lượng lớn. Loại hình chăn nuôi này thường áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi không triệt để, trong đó công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, kiểm soát ra vào khu vực chăn nuôi không được thực hiện tốt nên dịch bệnh rất dễ xảy ra.
Hiện nay hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật tạm thời như thế nào thưa ông?
UBND tỉnh cũng đã thành lập và đi vào hoạt động 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1A gồm chốt Vĩnh Tân, giáp tỉnh Ninh Thuận và chốt Tân Đức, giáp tỉnh Đồng Nai hoạt động từ ngày 8/3. Ngoài ra, UBND các huyện cũng lập các chốt để kiểm soát trên những trục đường. Tại các địa bàn giáp ranh tỉnh Lâm Đồng lập 2 chốt tại xã Thuận Hòa, Đa Mi (Hàm Thuận Bắc); lập 2 chốt tại các xã: Đức Phú (Tánh Linh), Thắng Hải (Hàm Tân) giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; lập 2 chốt tại xã Đông Hà, Đa Kai (Đức Linh) giáp ranh tỉnh Đồng Nai.
Ông Lê Tấn Bật - Trưởng phòng Dịch tễ - Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Tổ trưởng tổ kiểm dịch tại xã Tân Đức cho biết: Sau 3 ngày đưa vào hoạt động 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên quốc lộ 1 A tại xã Tân Đức (Hàm Tân) và xã Vĩnh Tân (Tuy Phong). Qua kiểm tra, các phương tiện chấp hành tốt khai báo với Chi cục để thực hiện kiểm dịch xuất tỉnh, chưa có xe vi phạm cũng như phát hiện dịch bệnh. Các xe ra vào tỉnh đều được phun thuốc sát trùng. Đến ngày 10/3 các tổ đã dừng kiểm tra 110 xe chở gia súc, gia cầm ra vào tại tỉnh. Trong đó, chốt Tân Đức đã dừng kiểm tra 80 xe chở lợn với 7.414 con; 5 xe chở trâu, bò với 191 con; 14 xe chở gia cầm với 4.680 con. Chốt Vĩnh Tân, kiểm tra 8 xe chở lợn với 591 con, 2 xe chở gia cầm 4.800 con, 1 xe chở bò 26 con. |
Thành phần của chốt kiểm dịch gồm ngành thú ý, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, thanh tra giao thông. Hiện lực lượng các chốt kiểm soát chặt chẽ các xe vận chuyển lợn, xuất lợn phải có giấy kiểm dịch rõ nguồn gốc xuất xứ. Kiểm tra lâm sàng xem đàn lợn không triệu chứng, không dấu hiệu bệnh. Ngay khi phát hiện lợn có dấu hiệu sốt cao, xuất huyết vùng da mỏng, đi đứng không vững liền tiến hành kẹp nhiệt lấy mẫu kiểm tra, xử lý. Tất cả xe chở lợn ra vào đều phải phun thuốc sát trùng.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Duyên (thực hiện)