Bình Thuận kiến nghị bổ sung các khu vực mỏ vào khu vực không đấu giá
Kinh tế - Ngày đăng : 08:52, 01/07/2021
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công 1 và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công – tư. Đến nay, Bình Thuận đã bàn giao mặt bằng 2.662/2.684 hồ sơ, đạt 99,2%. Diện tích đất sạch đã bồi thường 1.206,3 ha/1.221,51 ha, đạt 98,8%. Tiến độ giải ngân vốn bố trí năm 2021 được 18,52/296,33 tỷ đồng, đạt 6,2% kế hoạch, trong đó đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết 13,29/210 tỷ đồng đạt 6,3% kế hoạch; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây 5,23/85,7 tỷ đạt 6,1% kế hoạch. Di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường ống nước 4/5 huyện hoàn thành di dời giai đoạn 1 phục vụ thi công dự án đường cao tốc (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân). Di dời viễn thông ở 3 huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam đã xong giai đoạn 1 phục vụ thi công dự án đường cao tốc. Di dời đường dây 110kV huyện là Tuy Phong, Bắc Bình đã hoàn thành, huyện Hàm Thuận Bắc đang thực hiện thi công di dời thay trụ đỡ thành trụ néo và nâng độ võng dây điện cao thế 110kV. Di dời điện trung hạ thế và trạm biến áp huyện Tuy Phong đã hoàn thành. Di dời đường dây điện cao thế 500kV và 220kV, 4/4 huyện thuộc đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã được Công ty Truyền tải điện 3 thống nhất hồ sơ thiết kế di dời. Riêng đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, hiện đang khảo sát, lập hồ sơ thiết kế - dự toán di dời.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong kiến nghị: Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 3301 ngày 16/6/2021 hướng dẫn “Trường hợp chỉ tận dụng đất, đá, vật liệu đào trong phạm vi dự án để thi công các hạng mục trong phạm vi dự án thì Ban quản lý Dự án 7 cần thực hiện đăng ký khối lượng đất, đá tận thu trong phạm vi Dự án tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Khoáng sản (quy định tại khoản 2 Điều 64 của Luật Khoáng sản)”. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, khối lượng vật liệu đất đắp nền đường được điều phối từ đào sang đắp đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án, do đó đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể hơn làm căn cứ để địa phương thực hiện.
Trường hợp cấp phép cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 60/NQ-CP không phải qua đấu giá nhưng phải thực hiện phê duyệt quy hoạch và các thủ tục thăm dò, phê duyệt trữ lượng, môi trường, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, chủ trương đầu tư, thiết kế, cấp quyền, cấp phép khai thác, thuê đất, xây dựng cơ bản mỏ. Vì vậy, kiến nghị cơ quan Trung ương xem xét giảm bớt thủ tục thực hiện để kịp tiến độ của dự án.
Đối với thủ tục nâng công suất các mỏ theo điểm b mục 1 NQ số 60/NQ-CP công suất khai thác không quá 50% công suất ghi trong giấy phép thì không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên qua rà soát thì việc nâng công suất 50% chưa đáp ứng được yêu cầu đất đắp cho dự án và Ban quản lý dự án 7, đề nghị cho nâng công suất lên từ 300 - 400% các mỏ hiện có; do đó, kiến nghị các cơ quan Trung ương nghiên cứu cho phép giải quyết theo kiến nghị của Ban quản lý Dự án 7.
UBND tỉnh Bình Thuận sẽ có văn bản gửi 3 Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương để lấy ý kiến việc bổ sung các khu vực mỏ vào khu vực không đấu giá để điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, làm cơ sở thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 60 của Chính phủ. Do đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ nêu trên sớm có ý kiến việc bổ sung các khu vực mỏ vào khu vực không đấu giá để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch theo quy định pháp luật…
Trần Thi