Nhếch nhác nạn… ăn xin

Xã hội - Ngày đăng : 08:55, 26/03/2019

BT- Thời gian gần đây Phan Thiết bùng lên nạn ăn xin khắp nơi, từ chợ lớn đến chợ nhỏ, từ vỉa hè các quán đến vào tận quán… chìa tay gây nên những hình ảnh không đẹp mắt cho khách du lịch và người dân địa phương.
                
2 anh em ăn xin ở góc Tuyên Quang - Hùng    Vương.

 “Gương mặt thân quen”

Thủy Triều, chủ một nhà nghỉ ở Hàm Tiến gửi cho chúng tôi 1 clip mà em quay lại với tâm trạng khá bức xúc: “Em có cảm giác như lòng tốt của mình bị lợi dụng. Em đắn đo mãi khi quyết định không đưa clip lên mạng xã hội để cảnh báo vì sợ người ta nghĩ mình này nọ”. Hỏi ra từ cách đây 4 năm em đã cho cặp vợ chồng này hay ngồi ở khúc Gò Hàu thuộc phường Phú Hài 100.000 đồng vì thấy bà vợ có vẻ bệnh tật đau ốm, người chồng bồng đứa con nhỏ xíu trên tay. Không chỉ 1 lần mà nhiều lần mỗi khi gặp họ, em đều thấy nhiều người cho tiền, trung bình từ 50.000 - 100.000 đồng. Sau 4 năm em gặp lại, cũng y chang cảnh đó, cả 2 vợ chồng to khỏe, người vợ vẫn trùm khăn khoác áo y như mới đẻ và vẫn 1 đứa trẻ trên tay. Một trường hợp khác, một tài khoản Facebook Khánh Dung cho biết: “Ngày nào đi qua đường Tuyên Quang, khúc ngã tư Hùng Vương cũng thấy hình ảnh 2 anh em ngồi đó, đứa bé nhỏ lúc nào cũng ngủ li bì như bị cho uống thuốc ngủ. Giống kiểu như bị chăn dắt vậy, tội quá!”. Hình ảnh này có khá nhiều người đều thương hại cho em một ít tiền và hỏi thăm nhưng em chỉ cúi gầm mặt và không nói gì.

 “1.001 lý do ăn xin”

Nếu ai buổi tối hay đi uống nước mía trên đường Hùng Vương sẽ gặp 1 cụ già tầm gần 70 tuổi nhưng nom còn khỏe mạnh lắm, ăn mặc tươm tất cắp chiếc giỏ xách đi xin. Mấy lần cho xong chúng tôi mới hỏi thăm, cụ bảo vì không muốn sống nhờ con cháu nên từ Phú Yên vào đây thuê nhà trọ để ăn xin tự nuôi sống mình?! “Sao bà không nhận vé số bán người ta còn ủng hộ nhiều hơn, đi xin quen mặt hoài ai cho nữa cụ? Con cháu có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ cụ ngại cái gì? Con cháu nó biết còn buồn hơn?”, nhiều người đặt câu hỏi. Còn ở chợ Phú Thủy cũng thế, thường xuyên gặp ăn xin cũng đủ mọi hoàn cảnh, có cả người tàn tật nằm trên xe lăn, có cả cụ già gặp ai cũng xòe tay và cả người “không bình thường” cứ gặp ai cũng “cho xin đồng đi ăn sáng”. Thậm chí gặp cả mấy chị dân tộc thiểu số cũng tay xách, tay mang giỏ, xin tiền xe về quê. Nhiều nhất vẫn là cụ già, trẻ em và người bệnh. Nhất là những người bệnh tay cầm 1 xấp đơn thuốc, mặt mũi vàng vọt, ôm ngực, bụng van xin tiền chữa bệnh… khiến ai cũng thấy thương cảm. Họ cho biết, đều là dân miền ngoài, họ vào thuê nhà trọ, có người ngủ nhờ mấy mái hiên để đi xin ăn.

 Giải pháp nào ?

Tình trạng người ăn xin ở TP. Phan Thiết thời gian gần đây bùng phát trở lại. Được biết, chính quyền địa phương cũng có thu gom nhưng việc ngăn chặn người lang thang, ăn xin mới chỉ ở phần ngọn, như một cái vòng quanh quẩn tập trung đưa vào trung tâm bảo trợ - trả về gia đình lại tập trung đưa vào trung tâm. Chưa kể người ăn xin ở các tỉnh đến thuê phòng trọ hành nghề. Để triệt được tận gốc nạn lang thang, ăn xin, thiết nghĩ cần có giải pháp căn cơ, vừa mang tính xã hội vừa có tính kỷ cương nhằm răn đe, chứ không chỉ có đẩy đuổi như hiện nay. Theo anh Nguyễn Văn Hà, công chức phụ trách văn hóa xã hội phường Phú Thủy cho biết: “Địa phương làm cũng khó, có trường hợp mình xuống thì họ đã di chuyển đi nơi khác không tìm thấy. Có người thấy tội quá hỏi thăm xong, còn cho họ ít tiền động viên họ trở về quê. Có trường hợp vận động, hỏi thăm thì họ đứng dậy bỏ đi”. Về việc này các địa phương nên làm đồng bộ, giao công an thường xuyên kiểm tra đồng loạt các nhà trọ, phát hiện các đối tượng là trục xuất ngay”.  Đối với các đối tượng chăn dắt nên xử phạt thật nghiêm minh, trả về cho địa phương nơi họ ở. Khi ra quân cần có sự thống nhất, quyết liệt tất cả các phường, xã để tránh “bắt cóc bỏ dĩa”, dẹp chỗ này họ chuyển qua chỗ khác xin. Về phía  công an phường cần thắt chặt công tác quản lý về tạm trú tạm vắng để kịp thời ngăn chặn các đối tượng ở trọ hành nghề ăn xin...

Một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta là lòng nhân ái, có lẽ không ai làm ngơ trước một người tàn tật hay một đứa trẻ, một cụ già vẻ mặt sầu não chìa tay. Nhưng thật sự qua tìm hiểu lại thấy mặt trái của vấn đề ăn xin là có kẻ lười lao động, lợi dụng lòng nhân ái của con người để hưởng lợi, thậm chí có người còn tổ chức “chăn dắt” người già, trẻ em để trục lợi thật nhẫn tâm. Không thể để nạn ăn xin ngày càng tràn lan ở một thành phố du lịch, vừa làm xấu đi hình ảnh văn minh đô thị, vừa nhếch nhác dưới mắt các du khách nước ngoài, vừa gây bất công trong xã hội vì có cả những kẻ lười lao động, lợi dụng lòng tốt của mọi người để kiếm sống…

Từ thực trạng này, rất mong các ngành chức năng, các cấp, địa phương cần sớm dẹp nạn ăn xin.

         
          “Trước đây Sở Lao động - TBXH có 1 tổ thu gom người lang thang, ăn    xin cơ nhỡ nhưng bây giờ đã giao về hết cho các địa phương quản lý    làm nhiệm vụ này. Nếu phát hiện người lang thang cơ nhỡ nào thì lập    hồ sơ chuyển về cho các Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp. Tỉnh hiện    đã có 3 cơ sở: Tân Hà (Hàm Tân), Văn Thánh và Tiến Thành” - bà    Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc Sở Lao động TBXH Bình Thuận.

Ghi chép của Thu Thủy