Nhiều tiện ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giao dịch với Kho bạc Nhà nước 

Xã hội - Ngày đăng : 09:06, 22/03/2019

BT- Sử dụng dịch vụ công trực tuyến tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính là mục tiêu Kho bạc Nhà nước (KBNN) hướng tới để trở thành Kho bạc điện tử. Dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại và chi phí hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đảm bảo an toàn, thông tin được bảo mật, chống được việc giả mạo ký chữ, con dấu của các đơn vị sử dụng ngân sách. Để tìm hiểu vấn đề này, Báo Bình Thuận đã phỏng vấn ông Trần Xuân Lành - Phó Giám đốc phụ trách KBNN Bình Thuận. 
                
Ông Trần Xuân Lành - Phó Giám đốc phụ trách    KBNN Bình Thuận.

Thưa ông, sắp đến Kho bạc Nhà nước Bình Thuận triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), ông có thể cho biết tiện ích của DVCTT? Những dịch vụ cụ thể là gì?

Ông Trần Xuân Lành: Lợi ích của DVCTT là tạo sự công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính, hướng tới tăng độ hài lòng, thuận lợi và giảm thời gian, chi phí đi lại, giảm chi phí hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSD NS). Theo đó, các ĐVSDNS thực hiện gửi hồ sơ và nhận kết quả với kho bạc 24/7 ngày tại đơn vị mình, KBNN không tính và thu phí giao dịch này. Đồng thời, việc ký phê duyệt và gửi chứng từ đến kho bạc được sử dụng chữ ký số. Đây là biện pháp đảm bảo an ninh trong giao dịch trực tuyến. Đặc biệt, sử dụng DVCTT sẽ đảm bảo an toàn, thông tin được bảo mật, chống được việc giả mạo chữ ký, con dấu của các ĐVSDNS, đồng thời cũng đảm bảo tính chính xác, đầy đủ các thông tin trên chứng từ như mẫu loại chứng từ, ngày lập và giao nhận chứng từ, số tiền bằng số, bằng chữ...

 KBNN Bình Thuận đã triển khai các mức DVCTT gồm: Khai báo phiếu giao nhận hồ sơ trực tuyến và giao dịch một cửa với KBNN, giao diện kê khai yêu cầu thanh toán trực tuyến và chương trình kê khai yêu cầu thanh toán, đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, đăng ký rút tiền mặt tại KBNN. Đến năm 2020, KBNN sẽ tiếp tục triển khai thêm DVCTT mức truy vấn số dư tài khoản phục vụ tiện ích cho các ĐVSDNS tham gia.

Ngoài ĐVSDNS, các tổ chức, đơn vị, cá nhân không sử dụng ngân sách, có quan hệ giao dịch với KBNN thì sao?

Tại điều 3, Thông tư 61/2014/ TT-BTC ngày 12/5/2014 của Bộ Tài chính quy định: “Các đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN, gồm: 1. Các đơn vị, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và các đơn vị, tổ chức được ngân sách hỗ trợ; 2. Các tổ chức ngân sách (để theo dõi dự toán phân bổ cấp 0; thu, chi chuyển giao giữa các cấp ngân sách); 3. Các đơn vị chủ đầu tư có dự án đầu tư xây dựng cơ bản (ĐTXDCB) thuộc ngân sách các cấp (ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện, xã); 4. Các ban quản lý dự án được giao quản lý dự án ĐTXDCB; có tư cách pháp nhân, được phép đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN ghi trong quyết định thành lập hoặc văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; 5. Các quỹ tài chính Nhà nước; 6. Các đơn vị, tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thu các khoản phí, lệ phí, thu xử phạt hành chính, tịch thu theo quy định; 7. Các đơn vị, tổ chức có thẩm quyền hoàn trả các khoản thu NSNN; 8. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”. Như vậy, những tổ chức, cá nhân có đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN đều có thể tham gia.

Để tham gia dịch vụ công trực tuyến KBNN, các đơn vị sử dụng ngân sách cần có những điều kiện gì?

Điều kiện để các ĐVSDNS tham gia DVCTT gồm: Có chứng thư số còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cấp; có máy tính kết nối mạng internet, 1 địa chỉ thư điện tử đã thông báo với KBNN; có thông báo tham gia và được KBNN chấp thuận.

                
Khách hàng giao dịch tại Kho bạc Nhà nước    Bình Thuận. Ảnh: Đình Hòa

Ông có thể cho biết thời gian nào sẽ bắt buộc áp dụng rộng rãi và những khó khăn hiện nay trong việc áp dụng DVCTT là gì?

Trên cơ sở, mục tiêu chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 hình thành Kho bạc điện tử trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, định hướng của KBNN đến hết năm 2019 phấn đấu hoàn thành 100% ĐVSDNS tham gia DVCTT. Tuy nhiên, quá trình triển khai DVCTT tại KBNN Bình Thuận đã có những khó khăn nhất định mang tính khách quan. Thứ nhất là việc thay đổi thói quen làm việc, phê duyệt chứng từ thông qua bản giấy, ký chữ ký tay mà chưa quen với việc duyệt chứng từ trên máy tính, ký bằng chữ ký số, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện. Trong giai đoạn đầu, việc triển khai sử dụng DVCTT thường gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định, có thể chưa quen với thao tác chuyển file dữ liệu, mã hóa điện tử... không như các thao tác giao dịch trực tiếp truyền thống.

Nhu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến với quy trình đơn giản, thuận tiện cho người sử dụng tại các đơn vị có thể dẫn đến khó đảm bảo an toàn bảo mật. Trái lại, DVCTT nếu đòi hỏi nhiều cấp độ đăng nhập, khai báo để đảm bảo tính an toàn bảo mật thì lại khó đáp ứng được sự đòi hỏi về tốc độ truy cập, xử lý phiên giao dịch với người sử dụng tại các đơn vị. Vì vậy, cần lựa chọn phương án để hài hòa cả hai yếu tố này nhưng cũng cần có biện pháp phòng ngừa với những nguy cơ có thể dẫn đến thất thoát dữ liệu, sai lệch kết quả, sửa đổi thông tin, giả mạo.

Trong thời gian tới, KBNN Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và hướng dẫn cách sử dụng dịch vụ đến người sử dụng tại các đơn vị, khuyến khích và tạo điều kiện để nâng cao nhận thức, hiểu biết về vai trò và lợi ích của hệ thống dịch vụ công, tạo động lực thúc đẩy các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư tham gia sử dụng ngày càng nhiều các dịch vụ công trực tuyến KBNN.

Xin cảm ơn ông!

Quang Tuấn (thực hiện)