Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Chính trị - Ngày đăng : 08:26, 19/05/2017
Ngày 15/7/1969, Charles Fournio-nhà báo Pháp cuối cùng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể rằng: “Khi nói những dự kiến tổ chức mừng thọ Người 80 tuổi (vào ngày 19/5 sang năm), Hồ Chủ tịch đã tỏ ý không tán thành và Người nói rõ là không được bày vẽ gì nhân dịp này, chừng nào còn cần thêm tiền để làm nhà trẻ, trường học, bệnh viện và thư viện”.
Suốt 24 năm ở cương vị Chủ tịch nước, bộ kaki bạc màu và đôi dép cao su đã cùng Bác song hành. Bác nói: “Mua đôi dép khác không đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết ta phải biết tiết kiệm vì nước ta còn nghèo”.
Phong cách sống rất mực giản dị, tiết kiệm của Bác là một nội dung trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà Đảng ta đang phát động. Còn nhớ 1-2 năm trước, có nhiều địa phương xin xây dựng tượng đài Bác Hồ, địa phương nào cũng nêu rất nhiều lý do vì sao lại đề nghị xây tượng Bác. Dư luận xôn xao khi có tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, dân còn ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, mà vẫn xin xây tượng đài Bác hoành tráng vài trăm tỷ đồng. Nhiều người không đồng ý nhưng ngại nói ra, vì chuyện này cũng khá “nhạy cảm”. Nhưng không khéo tỉnh - thành nào cũng đề xuất xây tượng đài Bác Hồ hoành tráng, thì trung ương biết giải quyết thế nào? Ngân sách nào chịu nổi?
Lúc sinh thời, nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng đề nghị cho dựng tượng, vẽ tranh Bác, nhưng đều không được Bác đồng ý.Bác Hồ không thích người ta dựng tượng, vẽ tranh mình. Bác bảo dùng tiền đó mà xây nhà thương, trường học cho nhân dân. Trước khi vĩnh biệt cõi đời, Bác còn căn dặn: “Chớ nên điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
May mà Trung ương đã có chủ trương không đồng ý cho xây tượng đài Bác hoành tráng, vì tỉnh ấy còn ngèo, cần ưu tiên xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, xóa đói giảm ngèo cho dân. Dư luận hoan nghênh chủ trương ấy, vì tôn kính Bác không phải là xây thật nhiều tượng đài Bác, mà phải làm theo tấm gương của Bác, đó là giản dị, tiết kiệm, biết lo cho dân, biết nghĩ đến cơm no, áo ấm, học hành của dân.
Trong lòng dân tộc Việt Nam, trong trái tim mỗi người Việt Nam, đã có sẵn một tượng đài Bác Hồ. Sự vĩ đại của Hồ Chí Minh không phải ở tượng đồng, bia đá, mà ở trong lòng dân. Đúng như câu thơ Tố Hữu viết về Bác ngày 6/9/1969:
“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”
( Bác ơi !- Tố Hữu )
Đặng Dũng