Chính sách “tam nông”, nâng tầm nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 10:12, 14/07/2021

Bài 2: Nghị quyết 14 - bệ đỡ cho nông dân

BT- Một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) đề ra, đó là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Đồng thời, xây dựng các cơ chế chính sách tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao (ảnh tư liệu).

Hướng hữu cơ và liên kết chuỗi

Trước xu thế tất yếu của thị trường, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có một số hợp tác xã (HTX), hộ nông dân chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, GlobalGAP. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi sự chịu khó, tâm huyết và quyết tâm của người sản xuất. Trong đó, HTX dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Hiệp Phát (xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) là một điển hình.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, là thời điểm nhiều loại nông sản vào mùa thu hoạch, bị dôi dư nguồn cung do không xuất khẩu được. Trong khó khăn chung đó, ông Trần Văn Hiệp – Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Hiệp Phát hàng ngày vẫn bận rộn đến từng đám ruộng để kiểm tra, hướng dẫn xã viên cách chăm sóc, bón phân hợp lý, đúng quy trình.

Trên trà lúa hữu cơ giống Đài thơm 8 mới gieo của HTX, hàng tuần đều có 2 cán bộ nông nghiệp của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc đến kiểm tra, theo dõi. Là một trong những xã viên nhận được sự hỗ trợ của địa phương, anh Nguyễn Quốc Hào - nông dân thôn Liêm Bình chia sẻ: “Tôi có 5 sào lúa Đài thơm 8 đang sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật của HTX và cán bộ nông nghiệp địa phương, tôi thấy sản xuất theo hướng an toàn này khá dễ, năng suất đạt cao, bình quân 58 tạ/ha, nên có thu nhập từ nghề ruộng”.

Giám đốc HTX Hiệp Phát phân tích, trước đây người dân địa phương sản xuất lúa truyền thống không hiệu quả, thường bị thất thu do sâu bệnh, đầu tư cao và giống lúa bị thoái hóa. Vì vậy, từ ngày sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giúp tiết kiệm nước, giống và giá bán cao hơn lúa thường. Đặc biệt, sau khi các xã viên thu hoạch, sẽ được HTX thu mua và liên kết tiêu thụ theo giá thị trường, do đó bà con sẽ không phải lo đầu ra. Nếu tính toán, với giá bán lúa tươi vụ đông xuân 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi từ 25-30 triệu đồng/ha.

Ông Hiệp chia sẻ thêm, HTX hiện có 15 thành viên, đang canh tác 15 ha thanh long VietGAP, GlobalGAP và 16 ha lúa theo hướng hữu cơ. Thời gian này, HTX đang được hưởng 2 chương trình hỗ trợ sản xuất. Đó là trong vụ lúa hè thu 2021, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp của huyện, nông dân được hỗ trợ gần 200 triệu đồng cho 40 hộ dân tại thôn Liêm Bình, bao gồm 70% giống, 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật… Ngoài ra, quá trình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ, an toàn sẽ được hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh từ nguồn vốn khuyến nông Trung ương. Riêng về mặt tiêu thụ thanh long, HTX đang liên kết với HTX thanh long Thuận Tiến để xuất khẩu chính ngạch. Mặc dù thời điểm này do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên xuất khẩu gặp khó khăn, nhưng các xã viên luôn tin rằng, về lâu dài, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ vẫn luôn có chỗ dựa và phát triển bền vững.  

Giám đốc HTX NN hữu cơ Hiệp Phát chăm sóc thanh long VietGAP.

Chuyển biến phương thức sản xuất

Là đơn vị thực hiện các chương trình hỗ trợ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tám - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận cho biết, triển  khai  thực  hiện  Nghị  quyết 14 của Tỉnh ủy, từ năm 2017 đến nay chương trình khuyến nông trên địa bàn được tập trung toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhất là đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao, giảm giá thành, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Qua 4 năm, trung tâm đã thực hiện trên 160 mô hình trình diễn ở các lĩnh vực. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển tải đến nông dân và được áp dụng rộng rãi vào sản xuất.

Nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết 14, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đánh giá, trong điều kiện tỉnh nhà còn nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ nghị quyết.  Kết quả cho thấy, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn được tập trung rà soát, đảm bảo phù hợp với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Song song, sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững. Quan trọng nhất là đời sống vật chất, tinh thần của nông dân tiếp tục được cải thiện hơn trước… Trong đó, một số chỉ tiêu đã đạt đến năm 2020 như tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 2,87%/năm; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng tối thiểu 1,4 lần so năm 2015; giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn bình quân 1,24%/năm…

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng cho rằng, nhờ tập trung đầu tư, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, kết hợp thâm canh, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tích cực triển khai các chương trình, biện pháp hỗ trợ phát triển nông thôn đã thúc đẩy diện tích, năng suất nhiều loại cây trồng chủ lực, lợi thế của tỉnh tăng khá. Rõ ràng, Nghị quyết 14 trong những năm qua đã trở thành bệ đỡ cho nông dân vững vàng bám đất, bám ruộng…

Năng suất lúa năm 2020 của tỉnh đạt 58,4 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha so năm 2017 và sản lượng thanh long thu hoạch gần 700.000 tấn, tăng 29,2%. Toàn tỉnh đã thực hiện luân canh, chuyển đổi 8.596 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm nước tưới, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Kiều Hằng