Bình Thuận là địa phương duy nhất có 2 tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi?

Chính trị - Ngày đăng : 09:24, 14/05/2017

BTO - Theo thống kê, hiện nay trên cả nước có khoảng hơn 130 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó gồm hơn 100 tượng đài được xây dựng trong khuôn viên trụ sở các cơ quan, đơn vị, và hơn 30 tượng đài tại các quảng trường, trung tâm hành chính của các tỉnh, thành phố.

Các tượng đài hiện có nhìn chung chủ yếu được thiết kế với hai hình tượng chính: Chủ tịch Hồ Chí Minh dáng đứng vẫy tay chào; hoặc Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc địa phương (ví dụ như tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang,tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên,…). Nhiều nhà chuyên môn có ý kiến cho rằng các tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay được thiết kế tạo hình, điêu khắc với hình dáng, cử chỉ, đường nét khá giống nhau, còn đơn điệu và thiếu tính đặc trưng. Các thiết kế tượng đài thể hiện hình tượng Bác Hồ có nét riêng, độc đáo thì hầu như rất ít (có thể kể đến như tượng đài Bác Hồ với Bác Tôn, biểu hiện tình đoàn kết Bắc - Nam một nhà, đặt ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội).

         
      

         

            Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi ở Khu di tích Dục Thanh (Phan Thiết)    - nơi Bác đã dừng chân dạy học năm 1910.

Ở Bình Thuận, có 2 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhiều người biết đến: một là tượng đài Bác trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận (Khu di tích Dục Thanh), bên cạnh dòng sông Cà Ty thơ mộng của phố biển Phan Thiết; và hai là tượng đài Bác ở Công viên Nguyễn Huệ, trung tâm thị xã La Gi. Mặc dù chưa có điều kiện khảo sát hết tất cả hơn 130 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khắp cả nước, thế nhưng tôi chợt nhận thấy một chi tiết thú vị rằng, cả hai tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bình Thuận đều có chung một chủ đề, và “lách thoát” ra hẳn với “dòng chảy” chủ đề thiết kế của những tượng đài khác - đó là chủ đề “Bác Hồ với thiếu nhi”.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thiếu niên nhi đồng tình thương yêu đặc biệt, nhiều kỳ vọng lớn lao. Người luôn quan tâm, chăm sóc, giáo dục thế hệ măng non, bởi lẽ đây chính là những chủ nhân tương lai của đất nước. Các thế hệ thiếu nhi Việt Nam cũng dành cho Bác sự kính yêu vô hạn. Hai tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi ở Bình Thuận - mặc dù bố cục thể hiện rất riêng biệt, rất khác nhau, một tượng dáng Bác đứng và một tượng dáng Bác ngồi - nhưng tất cả đều toátlên được những tình cảm lớn lao giữa Bác Hồ với các em, và các em đối với vị lãnh tụ, vị cha già của dân tộc.

         
   

      

         Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi ở Công viên Nguyễn Huệ (La Gi).

Ngoại trừ TP. Hồ Chí Minh có một tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi do hoạ sỹ, nhà điêu khắc nổi tiếng Diệp Minh Châu thực hiện, từng được xem là hình ảnh đặc trưng của thành phố, thì có lẽ không có địa phương nào trên cả nước lại cùng lúc có đến hai tượng đài thể hiện chủ đề “Bác Hồ với thiếu nhi” một cách sinh động như ở Bình Thuận. Nếu quả thật đặc biệt như vậy, thiết nghĩ tỉnh nhà cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, tuyên truyền, chỉnh trang, tôn tạo, để những công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh thực sự là những điểm nhấn đẹp về mặt kiến trúc, mỹ quan đô thị, phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ măng non đang “lớn lên cùng đất nước”.

Phúc Thịnh