Giải pháp nào cứu bãi biển Hàm Tiến – Mũi Né?
Xã hội - Ngày đăng : 09:25, 20/05/2019
Sạt lở đến hẹn lại lên
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng biển xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Riêng tại khu vực Hàm Tiến – Mũi Né, mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền từ 4 - 5m, có nơi cả trên chục mét. Nhiều vị trí bị sạt lở, biển chỉ còn cách khu nhà lưu trú của các cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng từ 3 - 4m, như resort Coco Beach và Sunny Beach…Trong năm qua, 2 khu nhà hàng tại các resort Suối Tiên, Rạch Dừa cũng bị sạt lở, sóng cuốn đi hoàn toàn. Các resort còn lại cũng đã bị sóng cuốn nhiều tài sản như dù che nắng, rặng dừa, kè tạm… Tình trạng diễn ra chủ yếu vào thời điểm cuối năm, khi có gió mùa đông bắc mạnh hoặc khi trời giông bão.
Doanh nghiệp tự làm kè mềm chống xâm thực.
Trước thực trạng bị sạt lở nghiêm trọng, mất đi tài sản, nhiều doanh nghiệp tự làm kè để chống xói lở và bảo vệ tài sản, trước khi xin phép chính quyền địa phương vì tính cấp bách. Phần lớn resort sử dụng kè túi vải mềm công nghệ Hà Lan để ngăn sóng với khoản tiền không nhỏ. Theo bà Kisrty - Giám đốc của Khu nghỉ dưỡng Blue Ocean, doanh nghiệp bà đã chi gần 2 tỷ đồng làm kè, bởi resort bên cạnh đã làm, mình không làm càng bị sạt lở mạnh. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi và thực tế diễn ra, thì loại kè này không bền vững, gây mất mỹ quan do không đồng bộ, đó là chưa kể đến có thể gây nguy hiểm cho du khách.
Được biết, ngành chức năng từng tổ chức các cuộc họp nhằm tìm giải pháp để ngăn chặn tình trạng sạt lở, nhằm cứu cảnh quan bãi biển Hàm Tiến – Mũi Né. Nhưng đến nay, vẫn chưa có giải pháp nào khả thi, ngoài giải pháp kè bê tông kiên cố chưa được các doanh nghiệp đồng tình. Bởi theo họ lý giải: do không phù hợp môi trường kinh doanh du lịch. Nguyên nhân chính là do kinh phí quá lớn, mất nhiều thời gian và tính chất phức tạp trong làm kè, đồng thời có liên quan đến nhiều yếu tố, dòng chảy ven bờ, chế độ thủy triều… Do vậy, tình trạng xâm thực biển cứ đến hẹn lại lên, các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng phải tự cứu lấy mình, nhất là mùa mưa bão 2019 sắp đến. “Đầu năm qua sóng đánh bể hồ bơi, thiệt hại hơn 400 triệu đồng, giờ chúng tôi phải tự khắc phục, nếu không mùa mưa bão tới sẽ thiệt hại thêm”, đại diện Khu du lịch Hoàng Ngọc cho biết.
Cần chuyên gia hiến kế
Để cứu bờ biển Hàm Tiến – Mũi Né, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như bảo vệ các công trình ven biển, theo nhiều doanh nghiệp du lịch, địa phương cần gấp rút tổ chức hội thảo khoa học, để tìm giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển, qua đó lắng nghe hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Từ đó, làm căn cứ xây dựng các công trình chống sạt lở một cách bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, cần nghiêm cấm mọi hoạt động có nguy cơ tác động đến sạt lở, như tình trạng hút cát ven biển...
Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm qua để bảo vệ an toàn nhà cửa, tính mạng của người dân ở các khu vực sạt lở, các ban, ngành của tỉnh đã đề xuất nhiều giải pháp để xử lý cấp bách các công trình trọng điểm, gồm các kè chống sạt lở bờ biển, kè bảo vệ khu dân cư. Tuy nhiên, do tổng vốn đầu tư cho xây dựng các công trình này lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong khi nguồn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, nên rất cần sự hỗ trợ của Trung ương hay nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài… |
Ông Đinh Vạn Hải – Giám đốc điều hành Khu nghỉ dưỡng Coco Beach, một doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do xâm thực cho biết, các doanh nghiệp tự cứu lấy mình cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, chính quyền địa phương nên mời chuyên gia nghiên cứu về biển để đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp tối ưu nhất cho toàn bộ bãi biển. Lúc đó sẽ đưa ra mô hình chung và lên kế hoạch cụ thể, sự phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp, mỗi bên đóng góp bao nhiêu? Chứ nếu để kéo dài tình trạng này, sẽ khó khăn cho doanh nghiệp và ngành du lịch của địa phương.
Lê Ninh