Lễ dâng trâu tế thần của tộc người K’ho

Lễ hội - Ngày đăng : 09:07, 21/01/2015

BT- Đông Giang là xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc thuộc xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số, gồm tộc người K’ho và Raig cùng sinh sống, cùng chung tín ngưỡng là thờ các vị thần: thần núi, thần lúa mẹ, thần mặt trời…

Mới đây, tộc người K’ho đã tổ chức lễ dâng trâu tế thần. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày.

 Với tộc người K’ho thì cứ 17 năm, tộc này phải tổ chức lễ dâng trâu tế thần một lần để tạ ơn thần mặt trời, thần lúa mẹ, tổ tiên… đã cho tộc họ con cháu khỏe mạnh, có cái ăn cái mặc.

 Ông K’ Văn Thiên - già làng xã Đông Giang nói: “Xã Đông Giang có 3 thôn, 9 xóm, mỗi xóm đều có thờ các vị thần, riêng thần núi thì mỗi xóm thờ 1 vị thần núi. Đến 17 năm thì cả tộc người K’ho sẽ cùng tập trung về đông đủ, tổ chức  đại lễ của tộc tại sân làng hoặc bìa rừng”.

Tại sao lại có lễ đâm trâu và tại sao 17 năm mới tổ chức một lần? Theo tộc người K’ho cho biết, từ thời xa xưa, tộc người K’ho rất ít người, tổ tiên họ chỉ sinh ra được 1 người con gái (mẫu hệ), rồi người con gái đó lớn lên lập gia đình cũng chỉ sinh ra tiếp 1 đứa con gái và cứ nối tiếp nhau như vậy. Nói là dòng tộc nhưng đếm chẳng được bao người, đến lượt người con gái sau này lấy chồng chưa thấy có con, mặc dù đã đi xin, đi cầu các vị thần, tổ tiên khắp nơi. Đêm ấy người nữ đó nằm mơ, có người báo là phải ăn thịt trâu tơ thì sẽ đông con lắm cháu. Sáng hôm sau người này quyết định làm theo giấc mơ, gia đình đã mổ trâu cho cô ăn, cô đã ăn hết 1 con trâu trong vòng 7 ngày. Và 1 tháng sau cô đã có tin vui. Cô đã sinh 9 người con đều khỏe mạnh, và 9 người con này lớn lên lập gia đình cũng sinh rất nhiều con cháu. Từ đó, người K’ho cho rằng ăn thịt trâu rất may mắn, nên họ làm trâu cúng tế thần linh. Còn 17 năm làm một lần, con số 17 là số tuổi con người mới lớn, tràn đầy nhựa sống, khỏe mạnh, con số đẹp của tộc người K’ho.

 Mâm lễ dâng lên tế thần gồm có thịt trâu, thịt gà, thịt heo, thịt dê, khăn trắng, rượu cần, lúa mẹ, bánh nếp, trứng gà, cơm. Con dao dùng để đâm trâu, heo, dê, có hình lưỡi kiếm và phải được cúng kỹ lưỡng.

Bà K’ Thị Hôn - trưởng tộc người K’ho cho biết: “Là phận con cháu phải biết ơn đến ông bà tổ tiên, đến các vị thần, nên cứ 17 năm là tộc tôi phải làm lễ tạ ơn, sau đó cũng là cầu bình an, may mắn đến với họ tộc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”.

 Chị K’ Thị Điệp - người trong họ phấn khởi nói: “Năm nay tôi 32 tuổi, nhưng là lần đầu tiên được tham gia lễ hội vui như thế này, trước giờ chỉ được nghe người lớn kể lại. Tôi lấy làm tự hào về bản sắc văn hóa cũng như phong tục của dân tộc mình”.

Thu Tình