Du lịch và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
Tin tức - Ngày đăng : 08:08, 17/10/2013
Nếu liệt kê đầy đủ thì dài lắm, song chắc chắn một điều là các món ăn đặc trưng ở Bình Thuận dễ lấy được lời khen từ du khách, cho dù khó tính nhất. Nhưng không vì thế mà ngành du lịch địa phương thờ ơ với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt tại các nhà hàng, quán ăn - nơi phục vụ cùng lúc cho hàng trăm thực khách mỗi ngày… Về vấn đề nêu trên, Sở VH, TT & DL Bình Thuận cho biết: Qua những quý đầu năm 2013, nhìn chung công tác này đã được đảm bảo. Các cơ sở kinh doanh du lịch, nhà hàng phục vụ du khách rất quan tâm và thực hiện khá tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời các cơ sở còn tổ chức cho nhân viên nhà hàng và bộ phận bếp tham gia tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ theo quy định của ngành y tế. Vì vậy hầu hết các đơn vị đều được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoại trừ vài cơ sở còn một số lỗi nên bị nhắc nhở…
Rất mừng là trong thời gian gần đây, toàn ngành du lịch Bình Thuận đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm. Qua 8 tháng năm 2013, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc tập thể nhưng mức độ không nghiêm trọng, không gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch địa phương… Qua đó Sở VH, TT & DL Bình Thuận cũng đã kiến nghị các cơ quan chuyên ngành cần tăng cường tuyên truyền, vận động, tập huấn công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh kiểm tra để kịp thời xử lý những hành vi vi phạm và nhắc nhở các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm theo quy định.
Thế nhưng trên thực tế, cho dù các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến công tác này, song thi thoảng vẫn xảy ra một số trường hợp đáng tiếc. Còn nhớ cách đây chưa lâu, có một vụ được xem là ngộ độc thực phẩm với số thực khách khá lớn khiến một nhà hàng có thương hiệu tại địa phương lao đao. Nguyên nhân vì đoàn khách đông người này đặt tiệc nhiều món ăn mang hương vị miền biển, nhưng nhất định phải có gỏi cá suốt - món “độc” ở Phan Thiết. Và rồi quy trình chế biến vẫn tuân thủ nghiêm ngặt, chỉ có khác là phải thực hiện trước đó vài giờ do số lượng quá nhiều, nên những ai “bụng yếu” đã bị đau bụng sau khi thưởng thức. Hay như không ít du khách đến Bình Thuận rất ghiền ăn hải sản tươi sống mà không cần nấu đến độ chín an toàn, thậm chí còn yêu cầu càng tái càng ngon. Chính vì kết hợp nhiều yếu tố từ sức khỏe, thời tiết, hệ tiêu hóa có vấn đề… thì chuyện gì đến cũng sẽ đến với những thực khách ham vui theo “phong cách ẩm thực Đông Bắc Á”.
Trở lại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở địa phương, ai cũng biết khi để xảy ra trường hợp ngộ độc hẳn ít nhiều gây quan ngại đối với khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Thế nên ngoài công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn thường xuyên của ngành chức năng thì các cơ sở kinh doanh du lịch cũng tự tìm cách bảo vệ thương hiệu cho mình. Vì vậy trong khâu phục vụ ăn uống, tổ chức tiệc tùng đông người hay sự kiện Gala dinner cần có những khuyến cáo với thực khách. Nhất là các món gỏi hải sản, nhúng dấm, nướng tái…
Đ.QUỐC