Sa-na-rai,  tuổi 13

Tin tức - Ngày đăng : 08:01, 15/04/2013

BT- Một cậu bé 13 tuổi, ở thôn Bình Minh - xã Phan Hòa (Bắc Bình), đã chơi được một trong 3 loại nhạc cụ có thể nói là khó  nhất trong những loại nhạc cụ dân tộc của cộng đồng người Chăm: kèn Sa-na-rai.

Bản lĩnh tuổi 13

Cậu bé ấy là Đào Thanh Lên, hiện đang là học sinh của Trường THCS Phan Hòa. Sinh năm 1999, từ nhỏ Lên đã được nghe những thanh âm từ tiếng kèn Sa-na-rai của cha em. Khi Lên học lớp 4, trong dịp nghỉ hè cha Lên - ông Đào Tấn (sinh 1958), muốn truyền nghề cho con trai nên chỉ cho con những bước cơ bản đầu tiên. “Em học kèn từ năm lớp 4, lúc đầu thấy khó nhưng bây giờ thì quen rồi, nhưng phải tập luyện nhiều nữa” - Lên nói. Cha Lên, cũng là một trong số ít nghệ nhân chơi kèn Sa-na-rai còn lại ít ỏi trong làng Bình Minh này, chính vì vậy mà ông muốn truyền nghề lại cho con. Kèn Sa-na-rai là nhạc cụ khó nhất, vì đòi hỏi người chơi phải vận dụng cách lấy hơi, giữ hơi ở vòm họng, không phải cách giữ hơi và lấy hơi ở bụng.

Sau mấy năm tập luyện, lần đầu tiên Đào Thanh Lên mang tiếng kèn Sa-na-rai, bước trên sàn diễn lớn của Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực miền Trung. Với chiếc kèn nhỏ, với chiếc áo học sinh tinh khôi, tiếng Sa-na-rai của Lên đã hòa trong phần đệm của trống Ghi-năng và tiếng lục lạc. Chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có độ rung tuyệt vời nhưng tiếng kèn ấy đôi lúc lại mạnh mẽ như thác nguồn, đôi lúc rì rào của những cơn gió, và đôi khi rộn ràng của những cánh đồng mùa gặt mới... “Lần đầu tiên em cũng hồi họp lắm, nhưng em đã cố gắng” - Lên cười nói với tôi.

Chính tiết mục hòa tấu ấy đã giúp cho Lên được chọn để biểu diễn trong đêm gala Liên hoan dân ca Việt Nam vào đầu tháng 5 sắp tới, sự khổ luyện đã có những thành quả bước đầu. Tuy nhiên, Lên sẽ còn phải học rất nhiều, phải khổ luyện rất nhiều để xứng đáng là thế hệ tiếp nối, gìn giữ những giá trị truyền thống đang dần bị mai một. Anh Cửu Đình Long An - cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Bắc Bình cho biết:  “Lên là một trong những học viên nhỏ tuổi nhất được phát hiện trong đợt tập huấn do Trung tâm Văn hóa huyện tổ chức. Lên là trường hợp đặc biệt”. Khi mà nhiều thanh thiếu niên Chăm, không còn mặn mà với nhạc cụ truyền thống. 

Tiếng đời

Giữa buổi trưa, trong cái nắng chan chát ở Bắc Bình, Lên thổi Sa-na-rai trong tiếng Ghi-năng của cha đủ để xoa dịu sự oi bức. Ngày trước đối với cộng đồng người Chăm mang kèn Sa-na-rai qua nhà người khác hay thổi trong nhà mình là một điều tối kỵ, và chỉ được chơi ngoài đồng. “Bây giờ thoáng rồi, nhưng kèn Sa-na-rai không được dùng trong ma chay” – ông Tấn nói. Nói đến những loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của cộng đồng người Chăm, không thể không nhắc đến trống Ghi-năng, trống Pa-ra-nưng, càng không thể thiếu tiếng kèn Sa-na-rai réo rắt, vừa tỉ tê, trầm bổng. Cả ba loại nhạc cụ đó, nếu được hòa quyện trong cùng một nhạc khúc, hẳn sẽ đưa con người như lạc vào khoảng không gian nhiều hoài niệm. Và nhạc cụ Chăm phần lớn được dùng trong những lễ hội lớn như lễ hội Chà-và, Ri-sà-gành... Đó là những dịp lễ hội lớn của cộng đồng người Chăm, mong muốn mọi điều tốt đẹp, xua đi những đen đủi, cầu xin mùa màng tốt tươi và thể hiện lòng tin đối với các vị thần linh đã che chở, cứu giúp.

Ông Đào Tấn kể rằng: Hồi trước ông thích nghe tiếng kèn Sa-na-rai trong những buổi đi chăn bò trên những cánh đồng. Nhưng làm gì có điều kiện mà mua kèn, nên không biết tập thổi ra sao. Đến năm 2005, ông mới chính thức tìm thầy để học. Lúc đó, cây kèn Sa-na-rai giá 150 ngàn, bằng mấy bao lúa. Cây kèn Sa-na-rai bấy giờ vẫn cứ theo ông suốt, trong cái túi xách cũ kỹ để biểu diễn kiếm sống, phục vụ du khách ở Mũi Né, ông Đào Tấn cho biết thêm: “Hè này sẽ dạy cho Lên về trống Ghi-năng, phải học hết những gì có thể, đó là truyền thống mà. Hồi trước tui học thì tự mày mò, bây giờ tụi nhỏ học có nhạc lý cũng thuận lợi hơn nhiều”. Ông Tấn khoe cho chúng tôi cuốn nhạc phổ dạy về trống Ghi-năng được ghi lại bằng tay, trên đó có một câu nói để lại: “Người xưa đã đi, để lại tiếng trống, tiếng kèn cho đời”. Câu nói ấy, có thể là một động lực giúp ôngTấn thực hiện ước mơ của mình khi còn nhỏ và truyền lại cho con cháu để khi ông mất, tiếng Sa-ra-nai vẫn cứ dìu dặt mãi mãi.

Quang Nhân