Tôm thẻ chân trắng rớt giá, người nuôi vội vàng thu hoạch

Kinh tế - Ngày đăng : 09:51, 21/07/2021

BT- Du lịch đóng cửa, nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid – 19, các chợ đầu mối lớn bị phong tỏa; nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể chỉ hoạt động cầm chừng… khiến thị trường tôm thẻ chân trắng trong tỉnh gặp khó trong tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.
Thu hoạch tôm (ảnh tư liệu).

Được mùa mất giá

Chưa kịp vui mừng vì vụ tôm thuận lợi, đạt năng suất thì người nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong nói riêng và trong tỉnh nói chung lại đứng ngồi không yên, vì giá bán tôm đột ngột giảm mạnh... Có 2 sào tôm thẻ chân trắng chuẩn bị xuất bán, ông Trần Thanh (xã Vĩnh Hảo – Tuy Phong) cứ gọi chừng thương lái hỏi giá, cầm cự chờ giá lên để lời chút ít. “Cả 2 tuần nay, giá tôm “nhảy múa” liên tục, tuần trước, size tôm 95 - 100 con/kg có giá 105.000 đồng/kg, nhưng 2 ngày nay giảm còn 85.000 đồng/kg. Tôi ráng giữ để nâng size tôm, nhưng khi nghe thương lái thông báo giá sẽ tiếp tục giảm, nên tôi cấp tập thu hoạch”, ông Thanh buồn bã cho biết. Hiện trên địa bàn tỉnh, các hộ nuôi tôm bắt đầu đến lứa thu hoạch, một số hộ tôm gần tới lứa cũng tranh thủ bán do sợ ảnh hưởng của dịch bệnh và giá tôm lại xuống thấp. Theo các hộ nuôi, tôm thẻ chân trắng ao bạt loại 100 con/kg giá còn 90.000 đồng, size tôm 80 - 85 con/kg là 110.000 đồng/kg, size tôm 60 - 65 con/kg từ 130.000 – 135.000 đồng/kg. Ðây là giá bình quân chung đối với tôm thẻ đạt màu và kiểm tra đạt kháng sinh, còn nếu tôm thẻ chân trắng không đạt kháng sinh, tiếp tục giảm thêm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Thời điểm này, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Du lịch đóng băng, nhà hàng, quán ăn đóng cửa, vì vậy, sức tiêu thụ nội địa giảm, trong khi thị trường xuất khẩu cũng gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro. Không chỉ vậy, việc đi lại của người dân bị hạn chế, giao thương hàng hóa cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tại TP. Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối nông sản phải đóng cửa, khiến mặt hàng tôm lênh đênh đầu ra. “Người nuôi tôm cho rằng thương lái đang gom hàng hạ giá, nhưng thực ra thị trường chính xuất khẩu tôm vẫn là Trung Quốc. Vì dịch Covid-19, nên đối tác Trung Quốc liên tục báo giảm đơn hàng, thậm chí cắt; trong khi các kho lạnh tôi thuê để bảo quản tôm đều đã đầy hàng, nên giờ không dám thu mua nhiều”, một thương lái thu mua tôm ở Tuy Phong cho hay. Việc giá tôm giảm, tiêu thụ khó khăn do thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid - 19 đã tác động lớn đến các hộ dân, doanh nghiệp nuôi tôm và chế biến xuất khẩu. 

Sẽ tiếp tục khó khăn

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp phát triển ngành tôm 2021, Bộ NN&PTNT đã dự báo các tháng cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch Covid - 19. Ngành tôm Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội do ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTTP và EVFTA. Theo đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam những tháng cuối năm 2021 nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ FTA, đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến sản phẩm khi kiểm soát tốt dịch Covid-19.  Thế nhưng, hiện có rất nhiều vấn đề nan giải cần phải giải quyết, đó là việc đảm bảo chất lượng con giống, hạ giá thành nuôi tôm, rồi ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh, hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ, khiến việc nuôi tôm bấp bênh, thậm chí phải chịu thiệt hại lớn.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, trong năm 2021 ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết khí hậu bất thường, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Để ngành tôm Việt Nam kịp thời nắm bắt được “cơ hội vàng” ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, lãnh đạo các tỉnh, thành cần xây dựng giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC… để con tôm Việt Nam rộng đường xuất khẩu sang các thị trường mới thay vì chỉ phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

 S.Nguyên