Chủ động giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc phát sinh
Xã hội - Ngày đăng : 14:01, 28/08/2019
Trước khi Ban Bí thư ban hành Kết luận số 100 về “đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 669 về “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin DLXH của ngành Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận”. Quá trình thực hiện đã hình thành tổ chức bộ máy làm công tác DLXH từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, hình thành trên 20 đầu mối làm mạng lưới cộng tác viên DLXH cấp tỉnh, cấp huyện (tương đương). Đây là điều kiện thuận lợi, tiền đề để triển khai thực hiện Kết luận số 100 của Ban Bí thư.
Sau khi Ban Bí thư ban hành Kết luận số 100, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Quy chế hoạt động của cộng tác viên DLXH các cấp trong tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện chế độ hỗ trợ hàng tháng cho cộng tác viên, nâng dần chất lượng nghiên cứu, nắm bắt DLXH. Toàn tỉnh hiện có 21 đầu mối cộng tác viên với số lượng 364 đồng chí (127/127 xã, phường, thị trấn có cộng tác viên DLXH). 5 năm qua, khoảng 100 vấn đề xã hội, dư luận bức xúc mà báo chí phản ánh đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiến nghị các cấp, các ngành xử lý. Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan Trung ương, các địa phương tiến hành điều tra, khảo sát DLXH trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và một số lĩnh vực đời sống xã hội. Ngoài ra, các thông tin, vụ việc được đưa lên mạng xã hội gây bức xúc, hoang mang dư luận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các ngành, địa phương đều chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng, nhất là các tin đồn về kho báu, dự án ma, bắt cóc trẻ em…
Mặc dù vậy, công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH ở một số nơi chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Một vài nơi còn e dè trong việc tiếp nhận thông tin DLXH phản ánh, nhất là về những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, điều hành và chưa quan tâm đúng mức đến việc giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề dư luận phản ánh. Mặt khác, việc nắm bắt tình hình tư tưởng, DLXH trong nhân dân có nơi chưa kịp thời, nhất là ở cơ sở. Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu DLXH vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là khâu tổng hợp, phân tích thông tin, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp khả thi để xử lý. Do đó, nhiều thông tin cung cấp cho cấp trên còn mang nhiều yếu tố chủ quan, việc thu thập còn đơn giản, thiếu sự phân tích đánh giá, điều tra cụ thể.
Thời gian tới, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan, địa phương, đơn vị phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện công tác DLXH. Qua đó, chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá, dự báo diễn biến tình hình để có biện pháp giải quyết đúng đắn, kịp thời các vấn đề bức xúc phát sinh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, tăng cường, củng cố, kiện toàn mạng lưới cộng tác viên công tác DLXH, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, đề xuất xử lý và định hướng công tác DLXH. Đặc biệt coi trọng công tác đối thoại, gặp gỡ trực tiếp với nhân dân nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng, DLXH nảy sinh ngay trong từng chủ trương, chính sách, dự án và ngay từ cơ sở, không để tâm trạng lo lắng, bức xúc kéo dài dẫn đến trở thành “điểm nóng” rất khó giải quyết.
T.HÀ