Tình cảm đong đầy của nhân dân cả nước hướng về miền Nam
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 07:56, 27/07/2021
Người dân của huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng biết bà con miền Nam thích ăn cay nên đã gom ớt ở nhiều nơi về, cùng với rau xanh gửi cho người dân vùng dịch. Còn người dân miền Trung vừa trải qua bão tố, lũ quét, hiện tại cuộc sống của họ vẫn chưa lo đủ, nhưng khi dịch bệnh tràn về, hoành hành khiến cuộc sống của đồng bào miền Nam gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, bà con đã gom cá khô, khoai, mì, trái bầu, trái mướp… gửi đến sẻ chia với đồng bào miền Nam. Còn người dân Hà Nội nghe nói trong Nam thích ăn món đậu phộng rang dầu trộn gia vị nên bà con đã tập trung rang, đóng gói gửi vào dùng đỡ trong những ngày cách ly, dịch bệnh. Có thể nói, người dân miền Bắc, miền Trung… những ngày này đều hướng trái tim của mình về miền Nam ruột thịt. Cả miền Bắc, miền Trung đẩy mạnh lao động, sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm để vận chuyển kịp thời đến các tỉnh, thành phố phía Nam phục vụ đời sống người dân. Tăng năng suất lao động ở các địa phương trong lúc này để tạo tiềm lực về kinh tế, bù đắp lại những thiếu hụt do dịch gây ra đối với các cơ sở sản xuất ở các địa phương phía Nam, tạo đà cho đất nước phát triển ổn định. Chưa hết, các trường như: Trường Đại học y Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang... đã điều động hàng trăm sinh viên, giảng viên chi viện cho TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Đáng nghi nhận ở đây là sau khi TP. Hồ Chí Minh bùng phát dịch trên diện rộng đã nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều địa phương trên cả nước cả tiền mặt, lương thực, trong đó có tỉnh Bình Thuận. Nhiều mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân của tỉnh Bình Thuận với những chuyến xe yêu thương hướng về thành phố mang tên Bác mang đầy sự ấm áp nghĩa tình với tình cảm chia ngọt, sẻ bùi. Những ngày giữa tháng 7/2021, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận thống nhất chủ trương tiếp tục tổ chức thêm 4 chuyến hàng với thông điệp “Chia sẻ yêu thương - đánh bay Covid” để hỗ trợ, chia sẻ với những khó khăn, vất vả cùng với nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Đây là những mặt hàng thiết yếu gồm 21 thùng khẩu trang y tế, 10.300 kg thanh long tươi, 7.342 kg rau củ, quả, 5,5 tấn gạo, 1.248 thùng mì tôm, 1.700 kg cá tươi cấp đông, 591 kg cá khô, 6.097 lít nước mắm, 102 chai dầu ăn, 95 hũ mắm cá cơm, 500 kg bột nêm, 100 kg muối cùng một số nhu yếu phẩm khác với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng. Điều đáng nói ở đây là những người bán vé số, những người lượm ve chai với cuộc sống không có gì khá giả, phải kiếm sống hàng ngày bằng những đồng tiền ít ỏi cũng tham gia ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19. Điển hình là anh Sáu bán vé số ở góc đường tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, cô Hoa nhặt ve chai cũng ở huyện Tuy Phong ủng hộ 1 triệu đồng. Ngoài ra, những cụ cao niên cũng ủng hộ công tác phòng chống dịch bằng những đồng tiền dành dụm được để chung tay cùng cả nước phòng chống dịch với mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi, đó là cụ Lê Thị Lập (78 tuổi) trú tại khu phố 6, phường Tân An, thị xã La Gi ủng hộ số tiền 10 triệu đồng.
Không chỉ ủng hộ bằng vật chất, Bình Thuận còn ủng hộ TP. Hồ Chí Minh cả về nhân lực để phòng chống dịch. Đó là Bệnh viện đa khoa An Phước đã cử 6 bác sĩ, 8 điều dưỡng thuộc các chuyên khoa hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu, cấp cứu ngoại viện, thận nhân tạo, khoa nội, kiểm soát nhiễm khuẩn đã vào TP. Hồ Chí Minh tham gia phòng chống dịch. Toàn bộ kinh phí hoạt động của đoàn tại TP. Hồ Chí Minh được trích từ nguồn kinh phí của Bệnh viện đa khoa An Phước. Các y, bác sĩ trong đoàn sẽ tham gia phòng chống dịch tại Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp thuộc quận 8, TP. Hồ Chí Minh.
Có thể nói, những hành động ấy, tấm lòng ấy đã khẳng định một tinh thần rất Việt Nam. Một tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái. Bất cứ ai trong khả năng của mình cũng có thể chia sẻ khi người khác cần, khi đất nước gặp khó khăn.
THANH QUANG