Sĩ tử thẩm thơ qua kỳ thi

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 10:42, 30/07/2021

BT- Hôm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa xong, tôi đang ngồi xem thời sự VTV thì thằng cháu gọi tôi bằng bác và hai đứa bạn nó ào vào. Tôi hỏi thi cử thế nào ? Chúng nói những môn khác tính được, nhưng môn văn không biết đúng sai. 

Ðề thi quen thuộc

Tôi nói đúng là những chàng trai mê toán, lý, chứ môn văn làm sao mà không biết đúng sai? Thế là bọn chúng tranh nhau trình bày. Đề thi môn ngữ văn cấu trúc không khác những năm trước, câu 2 luận văn 5 điểm trích đoạn bài Sóng của Xuân Quỳnh, từ “Trước muôn trùng sóng bể” đến “Cả trong mơ còn thức”. Câu lệnh của đề: “Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ. Từ đó nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh”. Giờ nhớ lại mà thấy mấy cậu học trò có những suy luận vui thật, không biết quý giám khảo khi chấm nhận xét thế nào.

Ảnh minh họa

Thật ra, trong chương trình chỉ học chính thức có 5 bài thơ, trong đó 2 bài Việt Bắc của Tố Hữu và chương Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm là trích đoạn. Việc trích đoạn trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh ra đề có chi mà lạ. Nhưng thằng cháu của tôi nói tìm hiểu đoạn thơ đó rồi “nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh” làm con lúng túng. Tôi hỏi lúng túng chỗ nào? Nó nói “vẻ đẹp nữ tính” trong đoạn thơ đó hay là cả bài thơ, hay là cả sự nghiệp thơ của Xuân Quỳnh? Mà nếu cả sự nghiệp thơ thì có học đâu, biết gì để nói; nếu chỉ hỏi trong đoạn thơ ấy thì nghĩ mãi con cũng chưa tìm ra nữ tính ở đâu! Nếu nói về nỗi nhớ trong tình yêu thì bọn con trai tụi con khi thương ai cũng nhớ như vậy. Thằng cháu nói đến đây thì một đứa bạn nó là một học sinh giỏi vật lý tham gia, con thấy trong đoạn này có mấy câu thơ “Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng không biết nữa”, sao Xuân Quỳnh giải đáp và hỏi ngớ ngẩn như vậy! Sóng đâu chỉ bắt đầu từ gió, mà nó còn nhiều yếu tố khác nữa, như do chuyển động vòng quay trái đất, thủy triều, dòng chảy, động đất… Còn gió thì hồi học trung học cơ sở bọn con đã học rồi, sao cô Xuân Quỳnh nói “Em cũng không biết nữa”. Viết đến chỗ này, mình phê bình ý thơ như thế có được không thầy? Bọn chúng làm tôi quá bất ngờ. Tôi hỏi, con có viết trong bài như vậy không? Nó nói con có “đá” qua, nhưng về ngẫm lại thấy lo lo! Đến đây thì cậu học trò thứ 3 xen vào, em có đọc một tài liệu nói cách hỏi có tính chất thơ ngây trong tình yêu như thế mang đầy nữ tính, nên con đưa ý kiến đó vào bài viết. Cậu học trò giỏi vật lý kia không đồng tình, vậy con gái khi yêu nhau thì phải thể hiện sự ngớ ngẩn như vậy mới là con gái, mới là nữ tính của tình yêu hay sao! Tôi nghĩ nữ tính là sự duyên dáng, kín đáo, nhưng trong đoạn thơ này tôi tìm mãi không ra, mà thời gian làm bài lại hết, nên nhớ lại lời cô dặn: “Hễ nói đến bài Sóng, các em lấy câu trong sách giáo khoa làm kết: “Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ nhà thơ thời chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường”. Nó xoay qua tôi, làm thế có được không thầy? 

Cũng một thói quen

Tôi chưa trả lời thì thằng cháu hỏi: Bạn con có đứa nói, đoạn thơ nói lên chủ quyền biển đảo nữa đấy, con hỏi dựa vào đâu, nó nói câu “Trước muôn trùng sóng bể. Em nghĩ về anh, em. Em nghĩ về biển lớn…”. Nghĩ về biển lớn là nghĩ về chủ quyền biển đảo còn gì! Nó nói thế thì sao bác? Tôi nói bài thơ được viết từ năm 1967, xuất bản năm 1968. Thời đó cả nước tập trung vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, biển đảo chưa thật căng thẳng như gần đây. Cô gái mượn biển để nói về tình yêu, chứ chắc chưa nghĩ chuyện sẽ xảy ra năm 2010 đâu. Về điểm này, các con cần hiểu kỹ hơn về hoàn cảnh sáng tác, không thì dễ áp đặt. Cậu học trò giỏi vật lý lên tiếng: Con nghe nói văn học có tính dự báo mà thầy. Nó làm tôi cười sảng khoái, giỏi, giỏi lắm, nhưng bài Sóng không phải bài thơ dự báo tình hình chính trị biển đảo đâu.

Vừa rồi, 3 đứa lại kéo đến, khoe: Chúng nó đạt điểm cao, môn văn, 1 đứa 7,0 điểm, 2 đứa 6,5 điểm. Nó bảo, khi nào có kết quả đại học, bọn con mời thầy. Tôi cảm ơn, nhưng nhắc nhở, đang thời Covid-19, không nên tập trung đông người.

Đinh Đình Chiến