Ba Đăng sẽ vơi nỗi lo

Xã hội - Ngày đăng : 09:00, 07/11/2019

BT- Chỉ là người đàn bà ở xứ biển nhưng qua những gì nhà doanh nghiệp kia nói về kế hoạch sẽ làm ở cửa Ba Đăng, chị An lại tin người này sẽ triển khai dự án, dù không biết lúc nào…
                
Cửa Ba Đăng ngày càng bị thu hẹp.

 Chạy đua với thủy triều

Mấy ngày qua, đã 2 lần loan báo có áp thấp nhiệt đới nhưng vùng biển La Gi vẫn không có trận mưa nào lớn lắm. Biển ngoài kia như dọa có mưa bằng mây mù giăng mắc không gian, bằng những con sóng dữ dội, những đợt thủy triều lên xuống không rõ ràng. Tại cửa Ba Đăng (xã Tân Hải) này, đoạn cuối của con sông Phan trước khi đổ ra biển, vào 8 giờ sáng ngày giữa 2 lần báo có áp thấp nhiệt đới, như phơi hết lòng ra, vì nước rút cạn, chỉ còn sót lại trũng nước vùng thấp. Hàng chục chiếc thuyền có công suất nhỏ neo dưới sông bỗng như nằm chênh vênh trên cạn. Như hiểu sự tò mò của tôi, chị An, người đã về làm dâu tại xóm chài ven cửa Ba Đăng 15 năm nay vừa làm sạch các chồng rập xếp vừa nói: “Ở đây, thường khoảng 1 - 2 giờ khuya, thủy triều lên cao, thuyền mới ra biển được. Đánh bắt khoảng 2 - 3 tiếng thì phải quay vô lại để theo nước đưa thuyền vào nơi neo đậu bảo đảm trông coi được. Nếu vào chậm thì thủy triều rút đến đâu, thuyền sẽ dừng ở đó. Lúc này nhọc nhằn lắm, phải lội bộ ra bãi mang cá, mực vô, tối phải ra trông thuyền, nếu không bị mất cắp…”. Cách nói của chị An khiến tôi hình dung quang cảnh “chạy đua” với con nước rút ấy tương tự như trong phim ảnh, nhưng điều đó lại diễn ra ở cửa Ba Đăng, nhất là vào những khi hải sản được mùa và cả những khi mất mùa. Sống ven cửa biển này, không ngư dân nào không biết con nước ở đây lên xuống vào thời gian nào, thời khắc nào. Trình độ hơn, đánh bắt ngoài khơi nhưng nhìn mực nước biển nhấp nhô mạn thuyền là biết nước trong bờ rút tới đâu để kịp chạy vào. Nhưng không phải lúc nào cũng tinh như thế, đôi khi say mê đánh bắt quá, hoặc cố một chút để có thêm hải sản bán, nhiều ngư dân không chú ý. Đến khi sực nhớ, thu rập xếp về, chạy vào bờ thì buộc phải dừng lại ngoài bãi triều xa.

Chị An kể rằng vài ngày trước cũng có xảy ra cảnh trên, vì do mê đánh bắt để được nhiều tiền hơn nên có thuyền không vào nơi neo đậu kịp. Thời gian này đang là mùa mực. Được mùa. Những ngày qua, cứ 1 - 2 giờ sáng đi, 4 giờ sáng vào, nhiều thuyền thu về từ 3 - 7 triệu đồng là bình thường. Và những buổi tụ tập uống rượu giải mỏi của ngư dân ven cửa biển này cũng xôm tụ. Ngà ngà say, anh Minh đã có hơn 40 năm đi đánh bắt hải sản từng ngày chia sẻ nỗi lòng: “Lộc biển cho được lúc nào mừng lúc ấy. Nhưng giả sử cửa Ba Đăng được nạo vét, không lụy thủy triều rút thì có thể mỗi ngày bà con có thêm thời gian đánh bắt được nhiều hải sản, thu được nhiều tiền hơn. Không mê qua mùa bấc, mùa có nhiều tôm, cá nhưng cửa Ba Đăng lại “làm mình làm mẩy” với cát bồi lấp nhiều hơn từng ngày. Ghe thuyền ra vô khó khăn lắm. Có lúc, cát làm gãy chân vịt. Cát làm ghe thuyền kẹt lại bất cứ đâu trong cửa ra vào hình chữ L nằm…”. Những người khác phụ họa thêm rằng vì cát tại cửa Ba Đăng khó bán được, do nhiều mùn nên khó thu hút doanh nghiệp đến nạo vét… Người đồng ý, người không. Nhưng sự thật có 2 lần, dạo năm 2015, 2016, Công ty TNHH Doanh thương Việt Nhật được phép nạo vét thông luồng cửa biển này. Nhưng cát thu về để bán chỉ là một phần nhỏ so với chi phí bỏ ra. Nghe nói, doanh nghiệp này bị lỗ hàng tỷ đồng. Vì vậy, 3 năm qua, không có bất cứ hoạt động nạo vét nào nữa, dù là tạm thời nên ngư dân ở đây phải “sống chung” với những đợt thủy triều dâng, rút từng ngày đêm. 

Góc vuông gây tranh cãi

Tôi thắc mắc câu nói cửa Ba Đăng hình chữ L nằm của anh Minh thì được kể, trước kia cửa Ba Đăng chảy thẳng ra biển chứ không uốn cong rồi kéo dài ra đến xã Tân Tiến rồi mới ra biển như bây giờ. Rõ nhất cho sự đổi thay ấy vào năm 1999, nơi đây có 1 trận lụt lịch sử, nước dâng ngập khu dân cư ven bờ lênh láng ra đến cầu sông Đào. Kinh hoàng đến mức ngay sau đó, chính quyền thị xã đã đề xuất làm Khu tái định cư Ba Đăng ở cách đó không xa nhằm di dời hơn 500 nóc nhà nằm ven cửa biển này. Năm 2003, bắt đầu di dời và đến nay đã có 245 hộ xây nhà ở nơi mới. Hơn 250 hộ khác vẫn chưa muốn đi. Họ ở lại, vì tiện trông coi ghe thuyền, tiện xuống thuyền ra khơi, khi thủy triều lên... Trên bờ đã biến động như thế. Ở dưới sông cũng bể dâu không ngờ tới, đó là dòng chảy đã thay đổi, tạo ra bãi bồi chắn ngang cửa biển và cứ bị lấp dần từng ngày khiến lối ra biển bỗng dịch chuyển về phía Nam. Ngay góc vuông tạo thành chữ L nằm ấy, đã hình thành một doi cát kéo dài đến gần địa phận xã Tân Tiến khoảng 8 km, nếu đo theo bản đồ Google Map. Cứ như tạo một bờ đê, không cho ghe thuyền đi thẳng ra biển mà phải men theo luồng lạch dòng chảy tự nhiên làm kéo dài con đường ngư dân ra biển vậy.

Những lúc bức xúc quá, có người đã muốn giải phóng góc vuông ấy nhưng sức người có hạn rồi thôi. Vả lại, trong xóm chài tạm bợ này bỗng có ý này, ý khác. Bên kia của góc vuông ấy là một mảng xanh sầm uất. Bên ấy là Động Trắng, một địa danh nổi tiếng với bao truyền thuyết, có chùa Thần Long… Không biết có gì liên quan nhau không nhưng một số người dân cho rằng hãy tuân theo dòng chảy tự nhiên. Không ít người khác mơ ước cần mở góc vuông ấy, tức phải di dời phần nào doi cát này đi, thì từ nơi neo đậu, ghe thuyền ra biển rất gần, không tới 500m. Nạo vét luồng lạch là đương nhiên và phải có cái kè chống xói lở ở phía Bắc nữa là cơ bản. Đã kiến nghị chính quyền nhưng ai cũng hiểu sẽ rất lâu, khi giai đoạn 2016 - 2020, công trình cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Ba Đăng với quy mô 400 chiếc/250 CV nằm trong Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1976, ngày 12/11/2015 vẫn chưa được ghi vốn đầu tư, vì ngân sách nhà nước đang khó khăn. Chỉ mong nguồn vốn xã hội hóa, chỉ mong một ngày có nhà đầu tư đến…Thế nên, cuộc giằng co trong mơ ước trên cũng chỉ xới lên tại các cuộc nhậu giải mỏi của ngư dân. Có lúc bình bình nhưng cũng có lúc dữ dội, ví như mong sông Phan có một trận lụt lớn để đẩy nước chảy ra cửa biển tạo lực công phá bay góc vuông ấy đi, rồi người dân ra khai thông thêm. Nhưng đã nhiều năm nay, nơi đây không có trận lụt nào lớn. Chỉ có nước biển dâng tràn vào theo triều lên, mang theo cát bồi lấp…

Rồi bỗng nhiên mới hôm qua, chị An và nhiều người dân ở đây xôn xao hẳn lên khi thấy một đoàn người xuống tìm hiểu, quay phim, chụp ảnh. Và người mà chị An đoán là chủ doanh nghiệp đã nói cho nhiều người trong xóm chài tạm bợ ấy nghe kế hoạch của ông sẽ là nạo vét cửa biển Ba Đăng, làm cảng cá, làm kè và cái góc vuông doi cát ấy cũng sẽ giải phóng. Như chạm đúng mơ ước lâu nay, bà con làng trên xóm dưới ở đây loan tin nhanh. Chỉ là người đàn bà ở xứ biển nhưng qua những gì nhà doanh nghiệp kia nói về kế hoạch sẽ làm ở cửa Ba Đăng, chị An lại tin người này sẽ triển khai dự án, dù không biết lúc nào. Vì theo chị nghĩ, nếu đã vạch ra kế hoạch như thế ở cái nơi doanh nghiệp thường không quan tâm, vì sợ lỗ thì chỉ có sự quyết tâm làm mới tới. Ai cũng tin sau cơn mưa trời sẽ sáng, cửa Ba Đăng rồi cũng sẽ vơi nỗi lo… 

Ghi chép: Bích Nghị