Đồng bào, hai tiếng thiêng liêng!

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 13:12, 10/08/2021

BT- Vào những thời điểm giặc giã, dịch bệnh, thiên tai… hai tiếng đồng bào lại vang lên, đẹp biết nhường nào. Có lẽ trên thế giới này ít có dân tộc nào như ở Việt Nam, hai tiếng đồng bào ấm áp và thiêng liêng đến lạ. Có thể định nghĩa đồng bào là những người cùng một giống nòi dân tộc, cùng trong một đất nước, được xem có quan hệ gắn bó như ruột thịt. Đồng bào coi nhau như con cháu cùng tổ tiên, cùng một bọc, một bào thai - anh em ruột thịt cùng một mẹ Âu Cơ từ thuở xưa đã chia nhau lên rừng xuống biển, khai nghiệp giữ gìn non sông gấm vóc Việt. Thật xúc động giọng nói ấm áp của Bác Hồ vang lên trên Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không!”; hoặc khi Người ra lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến năm 1946, khi giặc Pháp trở lại cướp nước ta một lần nữa: “Hỡi đồng bào cả nước! ”…

Thời điểm này, đất nước ta từ Nam đến Bắc, khúc ruột miền Trung đoàn kết bên nhau, xiết chặt đội ngũ “chống dịch như chống giặc”, hai chữ đồng bào lại càng trở nên ấm áp, thân thương. Sài Gòn báo động đỏ bởi các ca dương tính SARS-CoV-2 tăng từng ngày trong đợt bùng phát mới của đại dịch, cả nước cùng hướng về Sài Gòn, hướng về miền Nam ruột thịt. Hình ảnh các cụ ông, cụ bà, các chị, các cháu nhỏ vùng quê nghèo quyên nhặt từng quả bầu, bí, con cá, mớ rau, góp với nhau từng gói mì, hũ mắm, dốc số tiền tiết kiệm ít ỏi kịp gửi vào Nam chống dịch, bằng tất cả tấm lòng thành - nghĩa đồng bào sâu nặng.

Ở Bình Thuận, khi thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết giãn cách xã hội “nhà cách ly nhà”,  các doanh nghiệp, nhiều nhà thiện nguyện, người hảo tâm, bà con cô bác trong tỉnh, không ai bảo ai đã dấy lên đợt quyên góp, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều chia lửa với những hoàn cảnh khó khăn, khu vực bị phong tỏa chống dịch. Hàng  ngàn suất ăn mỗi ngày, kèm theo bánh trái, nước uống, khẩu trang y tế… từ quyên góp được các tình nguyện viên chuyển đến địa bàn phong tỏa, đưa đến những người lao động mất việc làm do dịch bệnh. Chị bán vé số, anh lái xe ôm, chú thợ hồ, những đứa trẻ khuyết tật, cụ già neo đơn không nơi nương tựa, trong bối cảnh đại dịch cần lắm những bàn tay cưu mang hỗ trợ của những đồng bào không nằm trong tâm dịch.

Những dòng xe máy hồi hương về miền Trung của bà con từ Sài Gòn, Bình Dương và các vùng tâm dịch. Dẫu biết, những cuộc tạm xa vùng tâm dịch tự phát là không hay về nhiều mặt, gây ra không ít hệ lụy xã hội về dịch bệnh, sức khỏe, sự an toàn tính mạng trên lộ trình dài dằng dặc cả ngàn cây số; nhưng việc đã rồi, nhìn từng đoàn xe nối đuôi nhau về miền Trung, không ai nỡ đành. Đồng bào dọc tuyến quốc lộ 1A chạy qua địa bàn Bình Thuận, thông cảm và sẻ chia, tự phát lập các trạm trung chuyển, quyên góp nhau hỗ trợ đoàn xe hồi hương. Anh Lê Huy Nhân, công dân thành phố Phan Thiết, kinh doanh vận tải - quê gốc ở Nghệ An lập nhóm thiện nguyện trên đường cái quan (mang khẩu trang, kính chống giọt bắn) hỗ trợ bà con hồi hương. Trong nhóm còn có chị Huệ cũng là công dân Phan Thiết làm nghề buôn bán hải sản - quê gốc Nam Định đi dép tổ ong đứng bên đường phân phát mỗi xe 500.000 đồng lộ trình. Dù chỉ là nắm xôi, ổ bánh mì, chai nước, hộp sữa dành cho trẻ nhỏ, gói bánh ăn tạm, bình xăng dự phòng cạn nhiên liệu đường xa, nhưng đó là nghĩa đồng bào, làm ấm lòng bao người.

Dọc con đường thiên lý có hàng chục, hàng trăm các trạm “thiện nguyện” tự phát của đồng bào. Dốc đèo Cù Mông, trên đèo Hải Vân, chân đèo Ngang… nơi dốc núi heo hút nhiều điểm hỗ trợ bà con hồi hương được dựng lên, phòng những chuyến xe đường dài gặp khó, những em bé vượt đường trường cùng cha mẹ kiệt sức, xuất hiện những điểm “thiện nguyện” tiếp sức của đồng bào nơi bản địa. Bên kia cầu Bến Thủy nối đôi bờ sông Lam, mỗi xe đi qua của người hồi hương xứ Nghệ - xứ Thanh, chị Đinh Thu Hiền cùng gia đình (thực hiện đúng 5K) phân phát mỗi xe một bao thư 500.000 đồng và đồ ăn thức uống.

“Không nên để người dân tỉnh khác tự phát rời thành phố Hồ Chí Minh vào lúc này”. Lời đề nghị của ông Nguyễn Văn Mỹ, một người con của Bình Thuận thật trúng, nêu trên báo Sài Gòn Tiếp Thị đầu tháng 8/2021. Cuối tháng 7/2021, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã lên tiếng: “Mời bà con các tỉnh ở Sài Gòn ở lại chích ngừa” và chung tay với người Sài Gòn chống dịch. Nghĩa đồng bào ấm áp, no đói có nhau, ngọt bùi san sẻ, cùng sát cánh bên nhau vì một Sài Gòn nhân văn, hào nghĩa. Cuộc sống nghĩa tình - nghĩa đồng bào giúp chúng ta vượt qua đại dịch!

Nghĩa đồng bào của người Việt thật thiêng liêng đã và đang tỏa sáng. Đó là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua mọi gian nan, thử thách, không có kẻ thù nào, dù là kẻ thù dịch bệnh khuất phục được chúng ta! 

Phạm Quốc Toàn