Nhãn Thắng Hải vào mùa thu hoạch rộ: Nông dân đang gặp khó
Kinh tế - Ngày đăng : 09:02, 12/08/2021
Nhãn Thắng Hải vào mùa thu hoạch rộ nhưng không ai mua. |
Mùa nhãn lao đao
Cứ đến tháng 7, 8 hàng năm, nhiều thương lái vào tận vườn của nông dân xã Thắng Hải đặt hàng khá nhộn nhịp, nông dân chỉ cần chốt giá và lấy tiền. Nhưng từ đầu mùa nhãn đến nay, nhãn trĩu cành mà chẳng thấy mối lái ghé ngang khiến nhiều người nóng ruột. Gọi hỏi thăm các thương lái quen, người dân đều nhận được câu trả lời là do dịch Covid-19, nhiều nơi đã cắt hợp đồng. Nếu có tiêu thụ thì vận chuyển rất khó khăn vì địa phương nào cũng đang áp dụng Chỉ thị 16. Ông Lê Đình Hồng – 1 trong những hộ trồng nhãn xuồng lâu năm ở địa phương cho biết: “Các tỉnh tiêu thụ nhãn nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định… đều đang áp dụng Chỉ thị 16 nên các xe vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn chung trong việc giao nhận hàng. Dù giá đã giảm một nửa so với năm ngoái nhưng thương lái đều từ chối mua, nông dân nơi đây như ngồi trên lửa”.
Theo ông Trần Thanh Báu – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thắng Hải, toàn xã có khoảng 80 ha nhãn xuồng cơm vàng, 140 ha nhãn tiêu da bò, năng suất bình quân 10 tấn/ha. Diện tích trồng chủ yếu ở thôn Suối Bang, Suối Tứ và Hà Lãng. Hiện tại cây nhãn xuồng và nhãn da bò đang vào mùa vụ thu hoạch rộ với sản lượng hơn 700 tấn, nhưng không tìm được đầu ra. Các thương lái cho rằng, khi xe vận chuyển nhãn vào các tỉnh lân cận để tiêu thụ, thì các chốt kiểm soát dịch Covid-19 không cho phương tiện vào do không đáp ứng các điều kiện phòng chống dịch.
Nguy cơ nhãn rụng
Hiện giá nhãn xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 15.000 đồng/kg nhãn xuồng, 7.000 đồng/kg nhãn da bò, riêng nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có giá 25.000 đồng/kg, đã giảm hơn 1/2 so với thời điểm chưa có dịch, nhưng cũng chẳng ai mua. “Hiện tôi có khoảng 15 tấn nhãn lủng lẳng trên cây, nhưng tìm người mua đỏ mắt không ra. Nhãn khi đã tới thời kỳ thu hoạch thì buộc phải cắt, nếu không chỉ sau khoảng 2 - 3 ngày trái sẽ rụng hết. Tính bình quân, 1 ha nếu không cắt kịp sẽ gây thiệt hại khoảng 50 - 60%, chỉ thu về khoảng 3 - 4 tấn. Trong vài ngày tới, với tình trạng tiêu thụ chậm như hiện nay, nguy cơ nhãn rụng đầy vườn sẽ rất cao, nông dân sẽ thu lỗ nặng”, chị Đặng Thị Huệ, nông dân trồng nhãn ở địa phương chia sẻ thêm.
Cách đây 1 tháng, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân ở TP. Phan Thiết và các huyện, thị đã có nhiều đợt hỗ trợ tiêu thụ nhãn xuồng với hơn 100 tấn. Tuy nhiên, hiện tại Phan Thiết đang áp dụng Chỉ thị 16, nên nhiều đầu xe, tài xế ngại vận chuyển khi phải đáp ứng những yêu cầu gắt gao trong công tác phòng chống dịch. Sau khi Hội Nông dân huyện Hàm Tân có thư ngỏ, kêu gọi hội nông dân các địa phương chung tay “Kết nối nông sản - san sẻ yêu thương - cùng nhau vượt qua đại dịch”, đã có nhiều đơn vị, cá nhân trong tỉnh đặt hàng, nhằm giúp nông dân vớt vát phần nào chi phí chăm bón. Trong đó, Bưu điện tỉnh là một trong những tổ chức đã phối hợp Hội Nông dân huyện Hàm Tân hỗ trợ tiêu thụ nhãn xuồng với gần 10 tấn. Hiện nay, hệ thống bưu điện các huyện, xã rất tích cực phân phối nhãn đến tay người tiêu dùng thông qua kênh đặt hàng trực tuyến. Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Lê Thanh Thanh cho biết: “Với mục tiêu sẽ tiêu thụ khoảng 28 tấn nhãn xuồng trong đợt dịch này nhằm phần nào giúp đỡ nông dân Thắng Hải, chúng tôi không đặt nặng lợi nhuận mà chủ yếu phục vụ lợi ích cộng đồng”. Tuy nhiên, sản lượng còn tồn đọng ở địa phương rất lớn khi nhãn tiêu da bò đang neo cây vài trăm tấn.
Do đó, ngoài việc trông chờ một “phép màu” nào đó giữa lúc dịch Covid-19 ở tỉnh đang rất phức tạp, nông dân Thắng Hải không biết bấu víu vào đâu để hàng trăm tấn nhãn nức tiếng vùng Thắng Hải được “giải phóng”?! Mong rằng, ngành chức năng sớm có giải pháp kết nối, để nông sản của bà con nói chung và nhãn Thắng Hải nói riêng không bị đứt gãy từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
M. Vân