“4 màu” cho thích nghi và sản xuất trong dịch bệnh
Kinh tế - Ngày đăng : 09:07, 13/08/2021
Bị kìm hãm chung
Sau thị xã La Gi không lâu, TP.Phan Thiết đã phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và việc đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm tại các vùng vào thành phố và ngược lại đã diễn ra. Cá vào Cảng Phan Thiết, Cảng Phú Hài bị rớt giá, vì các thương lái ở vùng chưa có dịch không thể vào mua hay di chuyển ra. Các loại cây trái như thanh long, táo, nhãn, sắn, khoai môn… ở các huyện trong tỉnh vào mùa thu hoạch rộ dồn ứ đều mong người dân trong tỉnh, nhất là tại TP.Phan Thiết giải cứu, khi chuỗi tiêu thụ lâu nay từ thương lái đi qua các tỉnh, thành khác đã dừng. Giải cứu ở đây không đơn giản như lâu nay là mua giúp nông sản cho nông dân nữa mà bây giờ đã phức tạp hơn, khi đưa hàng từ vùng chưa bị dịch vào vùng có dịch, một con đường nhọc nhằn gắn liền đó bao nguy hiểm có thể nhiễm bệnh và lây lan dịch. Vì thế, dù xe tải có luồng xanh, tài xế có âm tính Covid nhưng để đưa nông sản vào từng địa chỉ trong thành phố là rất khó. Hàng gửi ở QL1A, vùng ven rồi nhờ shipper thì cũng nhọc nhằn, cùng chi phí chuyên chở có khi nhiều hơn cả tiền mua nông sản góp phần giải cứu. Vì thế, đã tạo ra tình huống dân trong vùng dịch muốn mua, còn dân ngoài vùng dịch muốn bán nhưng khó có thể phối hợp và cũng không biết giải quyết bằng cách nào, chỉ hy vọng dịch lui, bỏ giãn cách.
Trong khi đó, các doanh nghiệp, công ty sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu hoặc không thiết yếu nhưng có quy mô sản xuất lớn và tỷ lệ xuất khẩu cao thì cũng tất bật với xây dựng điều kiện sản xuất an toàn “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”. Nổi bật, tại 2 khu công nghiệp Phan Thiết, khi nơi đây mới xuất hiện 2 ca nhiễm tại một nhà máy chế biến hải sản đã khiến các công ty, doanh nghiệp nơi này kích hoạt các phương án đã chuẩn bị trước đó. Hiện tại, có doanh nghiệp đã đi vào vận hành “3 tại chỗ”, có công ty đang chờ các cơ quan chức năng thẩm định nhưng thực tế ai cũng thấy rõ, đây chỉ là giải pháp tình thế không thể lâu dài được vì rất tốn kém và độ an toàn thấp; nhất là ảnh hưởng đến tâm lý, điều kiện sinh hoạt của người lao động.
Hàng nông sản về chợ đầu mối ở Phan Thiết. Ảnh: N.Lân
Cũng trong thời gian trên, dù dịch bệnh diễn biến tại TP.Phan Thiết phức tạp không kém, đã lan ra các phường xã, đã định hình vùng tâm dịch Bình Hưng, Hưng Long nhưng đồng thời qua đó cũng có những vùng sạch không có F0. Đó là những vùng xanh nhưng xanh ấy cũng chỉ để mừng vui, chứ còn chuyện đi lại sinh hoạt… của dân và cả doanh nghiệp trong vùng này vẫn phải chịu theo giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Vì thế, về lâu dài, nếu tiếp tục áp dụng cùng vùng có nhiều F0 thì những vùng xanh này sẽ bị kìm hãm sự phát triển.
Cần phân 4 vùng màu
Trong Công văn số 541 về báo cáo vướng mắc đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN Phan thiết khi thực hiện Công văn số 2860/UBND –KGVXNV ngày 4/8/2021 của UBND tỉnh, Ban quản lý các KCN tỉnh có kiến nghị cách áp dụng các chỉ thị đối với doanh nghiệp đóng chân trên 2 vị trí địa lý khác nhau. Dù cùng nằm trong tên gọi chung là KCN Phan Thiết 1, KCN Phan Thiết 2 nhưng trong đó có nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy, kho xưởng trên địa bàn xã Hàm Liêm, Hàm thuận Bắc. Vì thế, ban kiến nghị với các doanh nghiệp nằm trên các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg như Hàm Thuận Bắc… yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch nhất là vấn đề giãn cách trong tiếp xúc, trong lao động, trong ăn, nghỉ giữa ca, giảm công suất và sản xuất khoảng 50% công suất để duy trì đơn hàng, không để đứt gãy hợp đồng như các doanh nghiệp đã đề nghị. Chỉ khuyến khích những doanh nghiệp có đủ điều kiện về nguồn lực, vị trí, cơ sở vật chất thực hiện 3 tại chỗ. Vì việc thực hiện này rất tốn kém, yêu cầu cao và nếu không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, làm qua loa, đại khái thì nguy cơ càng cao và hậu quả để lại vô cùng to lớn.
Cùng hoạt động trong 1 khu công nghiệp và chỉ khác vị trí địa lý nên sự bóc tách trên thật sự phát huy hiệu quả, vì vấn đề cuối cùng là tại nơi ấy không có dịch lan ra. Tương tự, nếu nhìn tổng quan toàn thành phố Phan Thiết sẽ thấy dịch bệnh không bao phủ và nếu có lan ra các phường, xã cũng thể hiện nhiều tầng nấc khác nhau. Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của thành phố đã bước sang vài ngày cuối cùng. Và câu hỏi có tiếp tục giãn cách thêm lần 2 như La Gi không, hầu như ai cũng quan tâm. Với tốc độ lây lan dịch tại La Gi mà cụ thể tâm dịch là phường Bình Tân rồi tiếp đến cũng diễn ra có vẻ giống tại phường Bình Hưng, TP.Phan Thiết, người ta cảm nhận việc “truy vết, khoanh vùng” từng rất hiệu quả năm ngoái giờ không còn thích hợp nữa. Chủng Delta lây lan quá mạnh nên lực lượng y tế cứ như không đuổi kịp và câu chuyện quay về không còn F0 là không thể. Do đó, lúc này chỉ có một cách là người dân và doanh nghiệp thích nghi để sống và làm việc trong môi trường dịch bệnh, mà không phải sợ hãi. Trong thời gian chờ vắc xin, chỉ có một cách là dựa vào số ca bệnh/100 dân số mà phân vùng “xanh - vàng - đỏ - xám”, để từ đó có thể áp dụng giãn cách xã hội theo các chỉ thị khác nhau hoặc nới lỏng nhằm đảm bảo sức khỏe lẫn an sinh xã hội và sinh kế của người dân.
Theo báo chí thông tin những ngày qua, kinh nghiệm này đã từng được triển khai ở một số quốc gia EU khi dịch bùng phát năm 2020. Lúc đó, một số nước EU phân các khu vực địa lý thành 4 màu: xanh - vàng - đỏ - xám tùy theo mức độ lây lan của vi rút. Giữa các khu vực màu xanh dân sẽ thoải mái đi lại, sản xuất kinh doanh và không bị ngăn cản khi xanh qua màu còn lại. Còn từ vàng sang xanh phải áp dụng các biện pháp kiểm dịch nhưng sang đỏ thì không. Và đương nhiên, từ xám đi bất cứ đâu cũng phải chịu kiểm dịch nghiêm ngặt. Nếu phân vùng được thì sẽ đảm bảo được an sinh xã hội, giảm bớt stress trong dân ở những vùng xanh và còn bảo vệ được sản xuất, bảo vệ lưu thông của doanh nghiệp. Hiện TP. Hồ Chí Minh đang triển khai lực lượng bảo vệ những vùng xanh không dịch…
Bích Nghị