Siết chặt quản lý hoạt động công chứng
Pháp luật - Ngày đăng : 08:49, 16/08/2021
Người dân đến công chứng tại một văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh (ảnh tư liệu). |
Nhiều vụ việc vi phạm
Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, những năm qua tỉnh đã huy động được nguồn nhân lực tham gia hoạt động công chứng, đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng gia tăng trên địa bàn. Qua đó, người dân được quyền lựa chọn nơi mình tin tưởng khi có yêu cầu cần công chứng, không còn tình trạng quá tải, ùn ứ hoặc phải đi lại xa. Tuy nhiên, gần đây xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động công chứng, nhất là trong lĩnh vực đất đai làm người dân lo ngại. Điển hình là vụ bắt tạm giam công chứng viên Phí Văn Thành, Trưởng Văn phòng công chứng Tiến Đạt (trụ sở tại xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam). Quá trình công chứng hợp đồng, ông Thành không chỉ thiếu trách nhiệm không chỉ 1 mà nhiều vụ việc. Theo đó, ngoài vụ Hồ Thị Ngọc Yến nhiều lần giả chữ ký, chữ viết của chủ đất để lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây hậu quả nghiêm trọng, còn vụ công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Trần Thị T với bà Nguyễn Thị N và hợp đồng ủy quyền giữa bà Trần Thị T với ông Võ Thái Nh đối với thửa đất 215 ở phường Đức Nghĩa (TP. Phan Thiết).
Ngoài ra, phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi giả mạo hồ sơ, giấy tờ công chứng, như vụ Văn phòng công chứng Đ.T.H đã báo công an xử lý 1 trường hợp sổ đỏ giả, khi khách hàng mang đến công chứng chuyển nhượng tại văn phòng. Tương tự, bà P.T.T.U (Hà Nội) có đơn trình báo công an về sổ đỏ của bà do Sở TN&MT cấp năm 2015 đã bị kẻ gian giả mạo. Sổ giả mạo này được các đối tượng mang đến công chứng hợp đồng chuyển nhượng, giao dịch tài sản trót lọt tại Văn phòng công chứng ND. Trước đó, bà có mang sổ của mình đi đăng ký biến động đất tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Phan Thiết thì nhận được thông báo sổ đỏ của bà giống (chỉ khác họ, tên, năm sinh) một sổ của ông Nguyễn Văn A (Hà Nội) mang đến văn phòng làm thủ tục sang tên. Ông A cho biết, ông không biết sổ này là giả và đã giao sổ cho công an xử lý.
Siết chặt quản lý
Theo Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 tổ chức hành nghề công chứng với 44 công chứng viên đang hành nghề. Từ đầu năm đến nay, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện công chứng 50.837 hợp đồng, giao dịch và bản dịch, các loại việc khác, chứng thực bản sao 116.730 việc, chứng thực chữ ký 9.228 việc.
Trước những vụ việc, Sở Tư pháp mới đây phát đi văn bản gửi đến Hội Công chứng tỉnh và các tổ chức hành nghề công chứng, chấn chỉnh các vi phạm trong hoạt động hành nghề công chứng. Trong đó, nghiêm cấm công chứng viên ký khống mà không có chứng kiến người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký trước mặt công chứng viên. Ngoài ra cũng nghiêm cấm công chứng hợp đồng chuyển nhượng, văn bản thỏa thuận phân chia di sản; hợp đồng ủy quyền (toàn quyền định đoạt)… liên quan đến thửa đất khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ chứng minh quyền sở hữu. Không công chứng hợp đồng, giao dịch có nội dung trái đạo đức xã hội. Không sử dụng trình độ chuyên môn, hiểu biết của mình để thông đồng, trục lợi gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng… Thực hiện nghiêm việc tra cứu phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản và động sản, cập nhật, chia sẻ thông tin công chứng hợp đồng, giao dịch lên phần mềm cơ sở dữ liệu đúng theo quy định.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực công chứng, đặc biệt quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên để kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót và có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục triệt để. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm sẽ có các biện pháp chế tài, xử lý nghiêm nhằm đảm bảo cho hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
NINH CHINH