“Đền ơn đáp nghĩa” bằng cả trách nhiệm và sự tri ân
Chính trị - Ngày đăng : 10:31, 27/07/2017
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Miều. Ảnh: Đình Hòa |
Đồng chí có thể cho biết, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta thực hiện trong 5 năm qua như thế nào?
Từ trước đến nay, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta đặc biệt quan tâm thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Nổi rõ là việc giải quyết các chế độ cho người có công với cách mạng. 5 năm qua, nhân dân trong tỉnh lập hồ sơ đề nghị và được Nhà nước giải quyết chế độ cho gần 5.000 người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Trong đó, phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho 1.157 “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; giải quyết chế độ cho 2.042 trường hợp là người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 406 người có công giúp đỡ cách mạng và 389 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trên 1.000 trường hợp là thân nhân người có công với cách mạng… Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng đã thực hiện khá tốt các chế độ ưu đãi khác như: chế độ miễn giảm học phí và trợ cấp ưu đãi cho con của người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách đang theo học tại các trường với kinh phí gần 6 tỷ đồng/năm. Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế hàng năm cho 16.000 đối tượng là người có công và thân nhân người có công; cấp các phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 300 trường hợp; ưu tiên cho những gia đình chính sách vay vốn để phát triển kinh tế từ nguồn vốn giải quyết việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ của các đoàn thể..., ưu tiên trong việc giao đất làm nhà ở; xét miễn giảm tiền sử dụng đất theo quy định…
Trong 5 năm qua, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân trong toàn tỉnh đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được gần 35 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, cùng với nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh đã tập trung xây dựng, sửa chữa được 1.355 căn nhà người có công đang gặp khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công trực tiếp hỗ trợ, tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở cho đoàn viên, hội viên là người có công hoặc hỗ trợ, động viên đoàn viên, hội viên khi gặp rủi ro, hoạn nạn sớm ổn định cuộc sống.
Hiện nay, tất cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Đối với những người có công với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, sức khỏe yếu, bệnh tật hiểm nghèo, sống cô đơn không nơi nương tựa đã được địa phương phân công các đoàn thể thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc, giúp đỡ góp phần giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống.
Ngoài ra, công tác chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho các đối tượng chính sách được thực hiện đầy đủ, đúng chế độ theo quy định. Trong 5 năm qua, tỉnh đã tổ chức đưa 21.600 lượt người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đi điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình; đã tổ chức cho 920 người có công với cách mạng đi tham quan các tỉnh miền Bắc và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó đã đáp ứng nguyện vọng và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người có công với cách mạng. Việc tổ chức họp mặt, thăm viếng, tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng nhân các dịp lễ, tết, kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 cũng được duy trì thường xuyên và trở thành nề nếp. Hàng năm, tỉnh ta đã xuất chi ngân sách khoảng 26 tỷ đồng để trợ cấp cho gia đình và người có công với cách mạng trong những ngày này.
Bên cạnh việc chăm sóc, tri ân những người đang sống – công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ, chỉnh trang công trình ghi công liệt sĩ cũng đã được chú trọng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là Hội Cựu chiến binh, các đoàn thể, hội quần chúng đã thường xuyên vận động trong nhân dân tích cực tìm kiếm, phát hiện, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã quy tập thêm được 78 hài cốt liệt sĩ đưa vào an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ, đưa tổng số mộ liệt sĩ được quy tập từ trước đến nay lên trên 11.000 mộ; tỉnh đã bố trí ngân sách và huy động đóng góp xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hàng chục công trình bia, đài ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ với tổng kinh phí trên 71 tỷ đồng, trong đó đã đầu tư, nâng cấp công trình Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, xây dựng mới Đền thờ liệt sĩ thành phố Phan Thiết.
Những khó khăn, vướng mắc trong công tác “Đền ơn áp nghĩa” hiện nay ở tỉnh ta là gì, thưa đồng chí?
Dù các cấp, các ngành, đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Đáng chú ý, đời sống của một bộ phận gia đình chính sách trong tỉnh còn gặp rất khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa cần được quan tâm hỗ trợ giúp đỡ nhiều hơn. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện còn 246 hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách người có công. Việc nắm bắt, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công ở một số địa bàn chưa sâu sát, còn lúng túng trong triển khai thực hiện nhất là các chế độ, chính sách mới ban hành. Công tác huy động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hàng năm vượt kế hoạch nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế để hỗ trợ cho các gia đình người có công với cách mạng. Việc xây dựng, sửa chữa nhà ở người có công theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ chưa được Trung ương cấp kinh phí. Mức trợ cấp cho người hoạt động kháng chiến và làm nghĩa vụ quốc tế và mức trợ cấp cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày còn rất thấp, cần phải được điều chỉnh; cần có chế độ trợ cấp thờ cúng, xây mộ cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi đã qua đời. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gặp khá nhiều khó khăn do có nhiều nguyên nhân như chiến tranh đã lùi xa, địa hình địa vật thay đổi; số nhân chứng ngày càng ít dần, nhiều người do tuổi già sức yếu nên đã không còn nhớ chính xác vị trí nơi chôn cất đồng đội, lượng thông tin về các phần mộ quá ít, thậm chí là không có thông tin.
Thời gian tới, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận quan tâm thực hiện như thế nào? Những hành động và việc làm cụ thể ra sao?
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần xác định rõ đó vừa là trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và toàn xã hội đối với hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong đó phải thực hiện tốt mục tiêu bảo đảm 100% đối tượng có công với cách mạng được thụ hưởng chính sách ưu đãi theo quy định; bình quân hàng năm vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt 6 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới tỉnh ta sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách ưu đãi người có công bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh hiểu, nắm và thực hiện các chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Cùng với đó, thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi mà Nhà nước đã ban hành đối với người có công với cách mạng. Giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, bức xúc của người có công, đồng thời phát hiện ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong triển khai thực hiện. Rà soát, tổng kết thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Mặt khác, đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ”. Tổ chức và phối hợp thực hiện tốt đề án “Tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”; tiếp tục giải quyết dứt điểm hỗ trợ nhà ở người có công theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp khai man, tiêu cực.
Xin cám ơn đồng chí.
Thu Hà (thực hiện)