Khởi sắc làng Chăm

Xã hội - Ngày đăng : 17:21, 16/01/2020

BX- Về các xã thuần đồng bào dân tộc Chăm, huyện Bắc Bình sẽ thấy có sự thay đổi khá lớn. Không chỉ hoàn thiện về cơ sở hạ tầng mà định hướng phát triển kinh tế của các xã rất rõ nét…
                
Cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại.

 2 “cú hích”

Tiếp chúng tôi với khuôn mặt ánh lên niềm hạnh phúc, bà Đặng Thị Mộng Oanh ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp nhớ lại những ngày đầu khốn khó. Những năm 2000, gia đình bà Oanh là một trong những hộ khó khăn của xã. Ruộng ít, nghề nghiệp cũng không, nên gia đình bà Oanh phải chạy gạo từng bữa. Ước mơ có một cuộc sống ổn định có lẽ chỉ là giấc mơ. Nhưng, năm 2003, bà Oanh cùng với hàng chục hộ dân khác ở xã Phan Hiệp được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mỗi hộ 20 triệu đồng để mua 1 con bò cái. Có bò, bà Oanh dồn sức chăm sóc. 2 năm sau, nhà bà Oanh có con bò thứ 2. Gia đình bà quyết định giữ lại để nhân giống. Đến năm 2018, đàn bò nhà bà Oanh đã lên đến 15 con. Bà quyết định bán hơn nửa số bò và xây được ngôi nhà 150 triệu đồng, số tiền còn dư bà tiếp tục đầu tư vào sản xuất…

Không chỉ gia đình bà Oanh mà hàng ngàn hộ dân ở huyện Bắc Bình đều khá lên nhờ Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy. Nghị quyết 04 được xem là đòn bẩy đưa kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi lên. Đời sống người dân khá lên nhưng cơ sở vật chất, điện đường trường trạm còn nhiều khó khăn. Việc đưa vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ một lần nữa giúp 3 xã thuần đồng bào Chăm ở Bắc Bình phát triển theo hướng hiện đại. Qua việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng các xã đã cơ bản hoàn thiện. 3 xã đều có hệ thống nhà văn hóa từ xã đến thôn. Trạm y tế, trường học đã được đầu tư nâng cấp hoặc xây mới giúp người dân 3 xã được hưởng dịch vụ tốt hơn. Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện ở các xã đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. Đường trục thôn và đường liên thôn đã được cứng hóa đến 70%.

Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự chung tay góp sức của người dân đến cuối năm 2017, 3 xã thuần đồng bào Chăm ở huyện Bắc Bình là Phan Thanh, Phan Hiệp và Phan Hòa đã đạt danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc thực hiện nông thôn mới ở 3 xã còn đạt được một bước tiến mới vững chắc hơn là sự thay đổi về tư duy sản xuất, từng bước phát triển mô hình kinh tế tập thể tại địa phương.

Điểm sáng về chuyển đổi ngành nghề

Các xã thuần đồng bào dân tộc Chăm ở huyện Bắc Bình đều là những địa phương có nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. Người dân ở đây có kinh nghiệm trồng lúa lâu đời cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp năng suất lúa ở đây gần như cao nhất cả tỉnh. Việc sản xuất lúa ở 3 xã Phan Thanh, Phan Hiệp và Phan Hòa đang dần phát triển theo hướng kinh tế hợp tác xã. Theo đó, hợp tác xã sẽ là nơi xâu đầu mối tìm đầu ra cho sản phẩm của xã viên. Tại xã Phan Hiệp, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Công Bình Đức đã có nhiều hoạt động cung ứng vật tư, lúa giống cho xã viên. Hiện nay, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Công Bình  Đức và 2 cửa hàng vật tư nông nghiệp Quý Phương và Tấn Sỹ đã ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững trên địa bàn xã với diện tích 3 vụ/năm là 1.566 ha. Ngoài ra, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Công Bình  Đức còn chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc để giảm sức lao động. 

Còn ở xã Phan Hòa, các loại cây chiến lược như: thanh long, mít, xoài, dừa, đu đủ, chuối, mãng cầu và các loại hoa màu có giá trị kinh tế cao đang được người dân tích cực chăm sóc. Chỉ vài tháng nữa thôi, đầu năm 2020 những loại cây này sẽ cho lứa trái đầu tiên. Đây là kết quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2015 - 2020 và đến năm 2025 mà Đảng ủy xã Phan Hòa đã đề ra từ năm 2018. Theo đó, từ nay đến năm 2025, xã Phan Hòa sẽ tập trung phát triển 5 loại cây trồng mới. Trong đó, tại khu vực đồng Cằng Răng (thôn Bình Thắng), đồng Ruộng Cút (thôn Bình Minh) và cánh đồng Ma Nương (thôn Bình Hòa) sẽ hình thành vùng chuyên canh cây thanh long với diện tích khoảng 35 ha. Ở những vùng có thổ nhưỡng tốt còn lại trong xã sẽ hình thành những khu vực trồng các cây: mít, xoài,  dừa, đu đủ, mãng cầu.

                
      
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật giúp các xã    vùng đồng bào dân tộc Chăm phát triển bền vững.

Trong khi những địa phương khác đang loay hoay tìm hướng đi mới cho kinh tế địa phương thì ở các xã vùng đồng bào Chăm ở Bắc Bình đã hình thành cho mình chiến lược phát triển kinh tế mới theo hướng bền vững.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cùng với việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế theo hướng bền vững đã giúp người dân các xã thuần đồng bào dân tộc Chăm ở huyện Bắc Bình có đời sống tốt hơn, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/năm.

Nguyễn Luân