Phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch
Xã hội - Ngày đăng : 09:31, 05/02/2020
Dinh Thầy Thím (La Gi). Ảnh: N.Lân |
Thực hiện phương châm xã hội hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã hướng dẫn Ban quản lý một số di tích cấp quốc gia tiến hành lập dự án trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục bằng chính nguồn vốn tự có của di tích đó, như chùa Hang (Tuy Phong), dinh Thầy Thím (La Gi), chùa Núi (Hàm Thuận Nam), chùa Linh Quang (Phú Quý)… Bên cạnh đó một số di tích nhận được sự đầu tư kinh phí của Nhà nước và một phần do nhân dân đóng góp như tháp Pô Sah Inư, đình làng Đức Thắng (Phan Thiết), đền thờ công chúa Bàn Tranh (Phú Quý). Nhờ vậy đã bảo tồn giá trị di tích, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng, nghiên cứu của nhân dân địa phương và khách du lịch, góp phần quan trọng phát triển du lịch văn hóa.
Năm 2019, Bộ VHTTDL đã xếp hạng thắng cảnh Bàu Trắng ở huyện Bắc Bình là di tích quốc gia. Vạn Thủy Tú cũng là trường hợp đầu tiên ở Bình Thuận vừa được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và lễ hội truyền thống được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cũng trong năm, UBND tỉnh đã xếp hạng thắng cảnh Đồi Cát bay là di tích cấp tỉnh.
Việc được xếp hạng di tích quốc gia, cấp tỉnh đối với các thắng cảnh trong năm 2019 là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, giữ gìn, bảo tồn nguyên trạng vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ vốn có của các điểm đến này. Đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả giá trị thắng cảnh phục vụ du lịch một cách hợp lý, khoa học, theo hướng bền vững. Nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý, người dân quanh các thắng cảnh tránh những tác động làm phá vỡ vẻ đẹp cảnh quan, môi trường.
Đối với các di tích lịch sử cách mạng phục vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch, tháng 10/2017, UBND tỉnh đã có quyết định xếp hạng di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ ở Sa – Lôn, xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc). Ngay sau đó, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh, các cấp, ngành tiến hành lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, tôn tạo, phục hồi khu di tích, xây dựng các hạng mục phụ trợ, phục hồi hạng mục di tích gốc. Xây dựng đề cương trình bày hiện vật, hình ảnh, sa bàn tại Nhà tưởng niệm – trưng bày của di tích…
Bà Lư Thái Tuyên - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trước đây khi các di tích ở Bình Thuận chưa được xếp hạng và trùng tu, lượng khách đến tham quan rất ít. Nhưng những năm gần đây, hầu hết các di tích này đều phát huy tốt giá trị của nó và có sức thu hút đông đảo du khách gần xa đến chiêm ngưỡng. Riêng với Phú Quý, du lịch tâm linh bắt đầu có sức thu hút du khách đến chiêm bái đền thờ công chúa Bàn Tranh, vạn An Thạnh, chùa Linh Quang, đền thờ thầy Sài Nại. Đây là tín hiệu vui, mở ra những triển vọng cho ngành du lịch trên đảo phát triển.
Tuy nhiên cũng như các ngành khác, các di tích ở Bình Thuận đang chịu những sức ép từ quá trình đô thị hóa, biến tướng trong khai thác, tận thu mà không đầu tư cho giữ gìn, sự xuống cấp do thời gian tác động. Vấn đề trên đặt ra cho đơn vị bảo tàng và cả người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ, khai thác tiềm năng du lịch của di tích. Xây dựng kế hoạch ưu tiên tập trung nhằm tôn tạo di tích, phát huy hiệu quả theo các tuyến du lịch đã được tỉnh quy hoạch. Huy động tổng hợp vốn từ các nguồn khác nhau để chung tay bảo tồn, phát huy di tích, phục vụ phát triển du lịch văn hóa.
Kết quả kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh năm 1995 – 1996, toàn tỉnh có hơn 300 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Từ năm 1990 đến nay, Sở VHTTDL đã chọn lọc các di tích có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa của địa phương để nghiên cứu thiết lập hồ sơ khoa học trình Bộ VHTTDL xếp hạng 28 di tích cấp quốc gia và UBND tỉnh xếp hạng 42 di tích cấp tỉnh. |
Thùy LinH