Nỗi lo tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Pháp luật - Ngày đăng : 09:27, 23/08/2021
Nạn tảo hôn ở vùng đồng bào còn gia tăng (ảnh tư liệu minh họa) |
Bề nổi của tảng băng chìm
Những năm qua, nhờ sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thông qua các chương trình ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vốn vay ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống, phổ biến kiến thức giáo dục pháp luật... nên cuộc sống của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có bước tiến bộ rõ nét. Tuy nhiên, đi kèm với những mặt sáng, triển vọng, thì còn đó những bất cập xã hội, trong đó có nạn tảo hôn. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025”, của Ban Dân tộc tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 16 trường hợp con em đồng bào dân tộc thiểu số tảo hôn. Chủ yếu tập trung ở xã Phan Sơn (Bắc Bình) với 14 trường hợp; thôn Phò Trì, xã Tân Thắng (Hàm Tân) 2 trường hợp.
Qua thực tế ghi nhận, con số này còn cao hơn nhiều, khi người tảo hôn không dám khai báo. Bà Mơ Loan – Cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã Phan Sơn chia sẻ: Gần đây trên địa bàn nổi lên nạn tảo hôn. Nhiều em quen nhau do thiếu kiến thức sức khỏe sinh sản, rồi quan hệ tình dục dẫn đến mang thai sinh con, sau đó đi làm giấy khai sinh cho con. Nếu không làm giấy khai sinh cho đứa bé thì mất quyền lợi, nên phải làm giấy khai sinh ngoài giá thú. Khi cha mẹ đủ tuổi đi đăng ký kết hôn thì làm lại giấy khai sinh. “Con số báo cáo chỉ là những trường hợp đến làm giấy khai sinh, còn những trường hợp khác thì chưa thể nắm”, bà Loan nói thêm.
Tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn
Thời gian qua các ngành, các cấp đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Trẻ em; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới, Dân số & Gia đình góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức rõ về hệ lụy, tác hại của nạn tảo hôn. Tuy nhiên, do trình độ dân trí chưa cao, thiếu chủ động trong việc tiếp nhận thông tin nên tảo hôn vẫn diễn ra. Bà Mơ Loan cho biết: Trong các cuộc họp tuyên truyền phổ biến giáo dục tại thôn chỉ được vài người tham gia. Mời bà con nhưng họ không đến dự họp. Chủ yếu tuyên truyền qua loa phát thanh và khi xảy ra vụ việc, phải nhờ đến già làng, người có uy tín giải thích.
Để hạn chế, hướng đến đẩy lùi nạn tảo hôn, theo đó cần có sự quan tâm, chung tay vào cuộc hơn nữa của chính quyền và các cơ quan, ban, ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở để kéo giảm. Ban Dân tộc tỉnh cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số về tác hại của tảo hôn. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông cho người có uy tín, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số, y tế cấp xã, thôn, cung cấp tài liệu liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, dân số... nhằm kéo giảm nạn tảo hôn.
Theo Ban Dân tộc tỉnh: Tỉnh ta có 34 dân tộc thiểu số, với 25.705 hộ/104.664 khẩu, cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ. Trong đó các dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro sinh sống tập trung ở 11 xã và 20 thôn xen ghép; dân tộc Chăm ở 4 xã thuần và 9 thôn xen ghép ở ven các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ; dân tộc Tày, Nùng, Hoa chủ yếu sống ở 2 xã thuần và 2 thôn xen ghép... |
Ninh Chinh