Nữ y sĩ say mê với nghề
Xã hội - Ngày đăng : 09:06, 27/02/2020
Y sĩ Nguyễn Nam Thị Hồng Châu - Phó Phòng khám đa khoa khu vực Mũi Né, TP Phan Thiết. |
Tốt nghiệp cao đẳng y tế, nhưng rẽ ngang sang làm kinh doanh, đến khi đã ngoài 35 tuổi chị mới trở về Mũi Né khoác lên mình chiếc áo blu trắng. Con đường đến với nghề của y sĩ Châu như một cái duyên. Với bản tính vui vẻ, xởi lởi nên khi được giao nhiệm vụ chuyên trách phòng chống dịch, truyền thông giáo dục sức khỏe, chị nhập cuộc khá nhanh.
Chị Châu cho biết: Mũi Né có số dân khá đông, trải đều ở 17 khu phố. Người dân sống chủ yếu bằng nghề lao động biển, chế biến hải sản, mấy năm nay thêm nghề dịch vụ du lịch. Tuy nhiên mức sống chưa cao, nguy cơ xảy ra các ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, ngộ độc an toàn thực phẩm và các dịch bệnh khác. Vì thế để bà con nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, không còn cách nào khác là xuống tận địa bàn trực tiếp hướng dẫn. Hết thấy chị trong các cuộc họp khu phố, vài hôm sau lại thấy ở hộ gia đình. Ban đêm có, ban ngày có, chị không nề hà việc đi lại. “Làm việc gì cũng phải có cái tâm và yêu nghề thì ắt sẽ thành công. Mình gần gũi, thân tình với họ thì họ cũng quý mình như người nhà, vậy mọi chuyện mới hóa thành đơn giản”, chị Châu cười xòa.
Dẫn chứng trước đây người dân xứ biển có tâm lý sinh con đông, sinh con trai để nối nghề, nên ít sử dụng các phương pháp tránh thai, kế hoạch hóa gia đình. Tỷ lệ phụ nữ được khám thai 3 lần trong đợt mang thai không nhiều. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, phát triển của con trẻ. Bởi thế khi thực hiện các chương trình y tế quốc gia, chị Châu đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết và triển khai cho nhân viên tại phòng khám chủ động thực hiện, đạt hiệu quả cao. Nổi bật năm 2019, các chỉ tiêu về kế hoạch hóa gia đình luôn đạt và vượt kế hoạch. Trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ phòng 8 bệnh đạt gần 98%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi chỉ còn 232/2.306 trẻ, chiếm 10,6%. 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch và không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Năm 2019 đánh dấu sự bùng phát trở lại của dịch sốt xuất huyết với 126 ca (tăng 109 ca so cùng kỳ năm 2018), tay chân miệng 13 ca (tăng 4 ca). Nguyên nhân được cho là do người dân một số nơi tích trữ nước sinh hoạt nhưng không có nắp đậy; nhiều khu vực bãi đất trống ít được dọn dẹp, phát quang tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản và phát triển. Trước thực tế chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chị Châu và cán bộ làm công tác dự phòng lại tất tả xuống vận động bà con vùng xuất hiện ổ dịch hợp tác với ngành y tế phun thuốc diệt lăng quăng. Đồng thời tuyên truyền ý thức bảo vệ sức khỏe bằng cách ngủ màn, đậy và súc rửa thường xuyên các thiết bị chứa nước.
Hiện tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở một số nước và có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Mũi Né là địa bàn có đông du khách từ các nơi đổ về, vì thế phòng khám đã nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở lưu trú và người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa.
Y sĩ Đoàn Thị Mỹ Trinh - nhân viên Phòng khám đa khoa khu vực Mũi Né nói với chúng tôi rằng: Chị ấn tượng mãi cách nói chuyện ân cần, nhỏ nhẹ của chị Châu trong những lần trò chuyện với 18 trường hợp khi đến phòng khám uống methanol. Đó là sự quan tâm của một người mẹ, người chị dành cho con, em của mình. Hay cách quản lý công việc, trong cuốn sổ nhỏ, bao giờ chị cũng cẩn thận ghi thứ tự ưu tiên rồi hướng dẫn cụ thể cho chúng tôi.
Với tinh thần hăng say lao động, cống hiến cho ngành y tế, y sĩ Nguyễn Nam Thị Hồng Châu đã nhận nhiều giấy khen của ngành y tế tỉnh, thành phố. Chị luôn tâm niệm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp với các tổ chức và cùng ngành y tế địa phương đẩy mạnh hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, xứng đáng với lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”.
Thùy Linh