Nước mắt người mẹ cựu binh chiến trường Campuchia

Xã hội - Ngày đăng : 10:10, 10/03/2020

BT- Bà khóc như một đứa trẻ khi tôi đề cập đến sự sống nửa điên nửa tỉnh của con trai bà trong suốt 39 năm qua. Bà bảo, chỉ mong con trai nhận được sự bảo trợ của Nhà nước, để bà nhắm mắt xuôi tay không phải buồn lo và day dứt.
                
Bà Phước đã không còn ở với anh Luận

Bà là Trương Thị Phước (80 tuổi) ở thôn Văn Kê, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, thân sinh của cựu chiến binh Nguyễn Đăng Luận (SN 1965), sống như người mắc chứng điên kể từ khi trở về từ chiến trường Campuchia năm 1986. Anh là con thứ 3 trong gia đình có 8 anh chị em, hầu hết đã có gia đình, ngoại trừ anh. Theo bà Phước, năm 1983, anh Luận vừa tròn 18 tuổi, cũng như bao chàng trai khác theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh hăng hái lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Sau 3 năm hoàn thành nhiệm vụ trở về quê nhà mang quân hàm trung sĩ, bà phát hiện tính khí con mình đổi khác hoàn toàn, hành động cũng như nói năng không kiểm soát.

Với tính khí như vậy, không ai trong nhà sống được với anh. Ngay cả mẹ mình cũng không, vì anh nói lảm nhảm suốt ngày và thỉnh thoảng nổi cơn điên gây chuyện. Lần cuối bà Phước để anh sống một mình, chuyển đến ở với đứa con khác là lần anh đánh bà trật cổ tay. “Cứ nghĩ đến nó là tôi buồn vì anh em mỗi đứa mỗi phận”, gạt nước mắt bà Phước nói.

Ngôi nhà tình thương do đoàn thể xã Tân Thành xây dựng cho anh ở, chỉ rộng khoảng 10 m2 giữa 4 bên là ruộng thanh long, không có đường vào nhà. Vì  đất của ông bà để lại không lối vào, để vào được đất phải băng qua bờ ruộng của nhà hàng xóm. Hiện hàng xóm phá đi để canh tác thanh long, nên không còn lối nào vào. Cuộc sống của anh như biệt lập với “thế giới bên ngoài”, trong nhà không có điện thắp sáng, cũng không có gì ngoài chiếc giường ngủ, ngổn ngang rác rưởi, dơ bẩn... Chị Phượng – em dâu của anh Luận cho biết, thường xuyên qua nhà anh dọn dẹp cho sạch sẽ nhưng đâu cũng vào đó. Anh ấy bị vậy nên không dám bắt điện vì sợ anh cắt dây điện hoặc phá ổ cắm, điện giật nguy hiểm tính mạng. Cũng theo Phượng, tính khí dở người của anh chỉ có người trong nhà, hàng xóm hoặc tiếp xúc lâu mới hiểu, còn mới tiếp xúc qua thì nghĩ anh là người bình thường.

Sống một mình ai thuê gì làm đó, anh Luận thuộc diện hộ nghèo vĩnh viễn của xã Tân Thành nên mọi chế độ chính sách đều được hưởng như các hộ khác. Riêng chế độ liên quan đến cựu chiến binh thì anh trong diện trợ cấp 1 lần theo Thông tư liên tịch 01 của 3 Bộ Quốc phòng, Tài chính và Lao động Thương binh và Xã hội. Khoản tiền trợ cấp đó chỉ vỏn vẹn 3,7 triệu đồng được chi trả vào năm 2012.

Nhiều năm qua bà Phước trăn trở việc hưởng trợ cấp 1 lần này, khi nghĩ con mình cống hiến một phần nhỏ cuộc đời để mang lại sự hồi sinh cho đất nước Campuchia láng giềng, nay trở nên “tàn phế” như vậy liệu có thỏa đáng? Xem qua toàn bộ hồ sơ nhập ngũ của anh, trong đó có sơ yếu lý lịch và giấy khám sức khỏe nhập ngũ ngày 20/1/1983, chúng tôi thấy có ghi rõ sức khỏe của anh bình thường trước khi nhập ngũ.

Trao đổi chuyện của anh Luận với một viên chức phụ trách công tác thương binh xã hội xã Tân Thành được biết : “Anh Luận trong diện hộ nghèo của xã và là cựu chiến binh được hưởng chế độ 1 lần. UBND xã rất quan tâm, mọi chế độ chính sách có liên quan đều cho anh Luận hưởng”. Về câu hỏi, tại sao trường hợp của anh Luận không thuộc diện bảo trợ của xã hội, thì viên chức cho biết: “Trường hợp của anh Luận rất khó, cần phải có thẩm định y khoa mới có thể xác định được bệnh để đưa vào diện bảo trợ”.

Nguyện vọng của bà Phước chỉ mong Nhà nước quan tâm đưa anh vào nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trợ cấp tài chính hàng tháng để ổn định cuộc sống. 

Lê Ninh