Học Bác về chống giặc nội xâm

Chính trị - Ngày đăng : 08:52, 13/07/2017

BT- Thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở nhiều nhất là làm sao Đảng ta thật sự là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Người  sớm thấy rõ  các nguy cơ đối với một đảng cầm quyền thường mắc phải là thói “quan liêu”, “thói kiêu ngạo cộng sản” và các bệnh như: lạm dụng quyền lực; sự tha hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ nhà nước. Bởi thế, Người đã sớm cảnh báo những mặt trái quyền lực là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu… và xem đây là giặc “nội xâm” kẻ thù bên trong, kẻ thù hung ác của cách mạng, của dân tộc.
                
Bác Hồ đang làm việc. Ảnh tư liệu    

Hồ Chí Minh phân tích: “Tham ô là gì? - Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”.

Về lãng phí, Người nêu ra muôn hình, vạn trạng biểu hiện: lãng phí sức lao động do kém sắp xếp, tổ chức; lãng phí thời gian do họp hành hình thức; lãng phí tiền bạc do mua sắm, sử dụng máy móc, nguyên liệu không hợp lý, không biết tiết kiệm... Người kết luận: “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định sở dĩ có nạn tham ô, lãng phí là vì có bệnh quan liêu. Mà biểu hiện cụ thể của nó là: “Trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn”. Những kẻ mắc bệnh quan liêu thường: “Có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không thấy thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”. Do đó, Người khẳng định: “Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”.

Truy tìm tận căn nguyên của căn bệnh trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí, óc hẹp hòi, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, cơ hội chủ nghĩa…Tóm lại,  chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy. 

Để khắc phục nạn tham ô, lãng phí, quan liêu, Hồ Chí Minh đề cập nhiều biện pháp phòng chống để loại trừ căn bệnh nêu trên trong công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, kiểm soát cán bộ, đảng viên và các tổ chức của Đảng và Nhà nước. 

Với Người trong đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu nên coi trọng biện pháp thuyết phục, giáo dục làm chính, trừng phạt là phụ, nghĩa là: “Ai kiểm thảo đúng những người khác thì sẽ được khen thưởng, ai có lỗi mà thật thà tự kiểm thảo thì lỗi nhẹ sẽ được tha thứ, lỗi nặng được xử nhẹ hoặc lấy công chuộc tội . Ai có lỗi mà không thật thà nói ra thì sẽ bị kỷ luật. Ai ngăn cản, đe dọa những người kiểm thảo mình, sẽ bị kỷ luật”.

Người căn dặn để chống tham ô lãng phí, quan liêu phải biết dựa vào quần chúng, biết phát động quần chúng tham gia đấu tranh. Bởi lẽ, quần chúng tham gia càng đông, thành công càng mau chóng. Tai mắt nhân dân rất tinh tường, mọi hành vi của những kẻ tham ô, lãng phí, quan liêu đều không sao thoát khỏi “lưới trời nhân dân”. Về phía quần chúng, mọi người cần phải hăng hái tham gia phong trào đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu như là chống giặc ngoại xâm, nếu nhân dân chỉ ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên đi chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân phải hăng hái tham gia đấu tranh chống giặc nội xâm.

Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay khi Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (10/2016) tiếp tục nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cũng như biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thẳng thắn vạch ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó đáng lo nhất là tình trạng nhạt phai lý tưởng cách mạng,  mất niềm tin vào con đường đi lên CNXH…; mà biểu hiện cụ thể là nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Từ đó, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, Trung ương xác định 4 nhóm giải pháp cần tập trung giải quyết: Về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, việc thường xuyên theo dõi giám sát để sớm cảnh báo, nhắc nhở, phê phán kịp thời những việc làm sai trái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; chỉnh sửa, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của cán bộ có chức, có quyền và kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Hoàng Minh