Vì sao kim ngạch xuất khẩu 8 tháng tăng?
Kinh tế - Ngày đăng : 10:55, 30/08/2021
BT- Tháng 8 được xem là tháng mà tình hình dịch bệnh tại tỉnh căng thẳng từng ngày, nhất là tại TP. Phan Thiết và thị xã La Gi đều đang xếp vùng nguy cơ rất cao, vùng đỏ. Tại 2 đô thị ven biển này, tập trung nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu thì lớp ngừng hoạt động, lớp khác vẫn đang bám trụ áp dụng điều kiện sản xuất an toàn “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”. Nổi bật là hàng xuất khẩu thủy hải sản. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng xuất khẩu này đang phải đối mặt với năng suất sụt giảm khoảng 50%, do chỉ sắp xếp cho một nửa công nhân ở lại làm việc tại nhà máy. Theo đó, việc mua nguyên liệu cũng ít lại, vì hệ thống kho lạnh không đủ tải. Bên cạnh, cũng bị vướng việc di chuyển nguyên liệu giữa các địa phương, do đi lại bị kiểm soát gắt gao; việc đánh bắt hải sản bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch Covid-19… Tuy nhiên, nhờ nỗ lực vượt khó, cộng thêm hàng sản xuất trong 6 tháng đầu năm ổn định nên đến thời điểm này, nhiều đơn vị xuất khẩu thủy hải sản cũng ít nhiều gom được đơn hàng đã ký kết cho đối tác.
Sản xuất đồ gỗ gia dụng xuất khẩu ở Khu công nghiệp Phan Thiết. Ảnh: N.Lân |
Trong khi đó, tại các huyện khác trong tỉnh, trừ Tánh Linh, dù không bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT –TTg nhưng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh cũng không thoát cảnh vấp nhiều khó khăn, do bị ảnh hưởng chung của dịch bệnh. Thấy rõ nhất là hàng nông sản tươi vào mùa thu hoạch bị ùn ứ. Thế nhưng, với mủ cao su lại khác, khi 3 tháng qua giá xuất cao su đứng ở mức cao, quy ra khoảng 39 - 40 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua và nếu so cùng thời điểm năm ngoái phải nói là giá tăng gấp đôi. Điều đáng chú ý là mủ cao su xuất khẩu đang ở thế cầu lớn hơn cung. Nguyên nhân, vì các nước khác vốn xuất khẩu nhiều cao su lâu nay thì bây giờ cũng đang vật lộn với dịch bệnh nên bị hạn chế xuất khẩu.
Đó là vài mặt hàng ví dụ chứng minh vì sao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong tháng 8 đạt 41,79 triệu USD, tăng khá cao so cùng kỳ năm trước. Từ đó, lũy kế xuất khẩu hàng hóa của 8 tháng, theo số liệu từ Cục Thống kê Bình Thuận cho thấy tăng cao so cùng kỳ gần 27%, thể hiện ở cả 3 nhóm hàng chủ lực với mức tăng cụ thể lần lượt là 5,72% với thủy sản, 21,26% với nông sản và 37% với hàng hóa khác.
Khó trong, dễ ngoài
Vì sao năm nay dịch bệnh bùng phát với số ca nhiễm lên cả ngàn, tăng gấp ngàn lần so năm ngoái nhưng kim ngạch xuất khẩu tại tỉnh lại tăng là câu hỏi mà nhiều người lưu ý. Theo quan sát của những người quan tâm đến thị trường xuất khẩu, nếu 3 đợt dịch đầu, Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng có xuất hiện các ca bệnh và không bị ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh tế, tức các doanh nghiệp, công ty sản xuất hàng hóa xuất khẩu dồi dào. Tuy nhiên, thời điểm ấy xuất hàng không được, vì các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Bình Thuận là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Đức đều đang bị dịch Covid-19 tấn công nghiêm trọng. Còn tình hình bây giờ thì ngược lại, các quốc gia trên đã hồi phục sau Covid-19 cùng phổ rộng tiêm vắc xin trong toàn dân tạo ra thế sống chung với dịch bệnh nên kinh tế phát triển, nhu cầu hàng hóa tăng cao. Đó là lý do hàng hóa trong nước nói chung, Bình Thuận nói riêng được xuất khẩu nhiều hơn cho hầu hết các thị trường từ châu Á, sang châu Âu, châu Mỹ, nhất là các sản phẩm hải sản, giày dép, hàng may mặc, đồ gỗ…
Cuối tháng 8/2021, trong danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2020 được Bộ Công thương phê duyệt, Bình Thuận có 4 doanh nghiệp được khen tặng. Đó là 2 doanh nghiệp bên xuất khẩu hải sản, 2 doanh nghiệp bên may mặc xuất khẩu. Nhưng tình hình hiện tại, chính 2 doanh nghiệp may mặc được khen trên lại đang dừng hoạt động, vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Vì thế, ở trong hoàn cảnh đang khó bên trong nước nhưng dễ bên ngoài nước này, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất hàng xuất khẩu thật không dễ dàng cùng nỗi lo đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng… Điều đó có nghĩa nếu phục hồi chậm cũng đánh mất cơ hội, khi 2 - 3 năm qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết tập trung vào các thị trường lớn như châu Âu, Anh… đến thời điểm này có hiệu lực, phát huy hiệu quả. Để các doanh nghiệp hưởng lợi được thành quả trên, còn tùy thuộc vào tình hình khống chế dịch cũng như tốc độ tiêm vắc xin trong doanh nghiệp ở tỉnh.
Bích Nghị