Đưa dân về quê tránh dịch: Trọn vẹn nghĩa tình quê hương
Xã hội - Ngày đăng : 11:16, 30/08/2021
Ấm áp tình quê hương
Chiều tối 28/8, đoàn xe chở 388 người dân Bình Thuận từ TP. Hồ Chí Minh đã về tới các địa phương trong tỉnh và đưa về các khu cách ly tập trung an toàn. Đây cũng là đợt thứ 4 Bình Thuận tổ chức đưa người dân từ TP. Hồ Chí Minh về quê. Dáng người nhỏ nhắn, vai mang ba lô lớn, Nguyễn Thị Anh Thư (xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết) bước nhanh xuống xe đi về vị trí ngồi đã được bố trí tại khu cách ly là Trường THCS Trưng Vương (phường Đức Long, TP. Phan Thiết). Học tập và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh đã hơn 5 năm, biết bao lần đi đi về về nhưng chưa bao giờ bước chân Thư lại vội khi về đến quê hương như lần này. Không hàng hóa, quà cáp như những lần trước, hành trang về quê lần này của em chỉ vỏn vẹn mấy bộ áo quần xếp vội. Thư vừa tốt nghiệp ra trường, mới đi làm được vài tháng thì dịch bệnh ập đến. Công ty đóng cửa cũng đồng nghĩa với việc em nghỉ làm. Không có việc làm nên em cũng không còn tiền để cầm cự. Em đã đăng ký về quê. Khi nhận được cuộc điện thoại xác nhận, em mừng rơi nước mắt. “Biết bao lời muốn nói để cảm ơn tỉnh nhà đã có quyết định nhân văn. Em xin tự hứa sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định cách ly, phòng chống dịch để an toàn cho cộng đồng, không phụ tình cảm quê hương”, Thư cho biết thêm.
“Thật may mắn được trở về” cũng là cảm xúc của bà Hoàng Thị Xuân (xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý). Bế trên tay cháu ngoại vừa tròn 28 ngày tuổi, bà rưng rưng nước mắt. Bà Xuân cho biết: Bà cùng con gái vào TP. Hồ Chí Minh để chăm sóc thai. 2 mẹ con bà mắc kẹt trong này đã hơn 4 tháng. Ngày đi chỉ có 2 mẹ con. Ngày về thì thành 3 bà cháu. “Giữa khó khăn dịch bệnh, không có đâu bằng quê nhà. Quê hương dang rộng tay đón cả nhà, tình cảm đong đầy sao kể hết”, bà Xuân xúc động chia sẻ.
Trong 388 người dân về đợt thứ 4 này, khi xét nghiệm nhanh tại Bến xe miền Đông có 3 trường hợp nhiễm Covid -19. Nhưng đã có phương án từ trước đó, tỉnh đã bố trí xe cứu thương đưa 3 trường hợp trên về Trung tâm Y tế TP. Phan Thiết chữa trị. Điều này càng khẳng định, Bình Thuận không bỏ rơi ai, mà trong gian khó, hiểm nguy thì trách nhiệm với dân càng lớn.
Trách nhiệm với nhân dân
Trung tuần tháng 7, Bình Thuận đã ghi nhận 45 ca mắc Covid -19. Trong đó, thị xã La Gi là địa phương có diễn biến phức tạp nhất, chưa xác định được nguồn gây ra chuỗi ca mắc mới và đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Lúc bấy giờ tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày ghi nhận vài ba ngàn ca nhiễm. Sài Gòn không còn đủ sức cưu mang tất cả đồng bào như sự hào hiệp thường ngày. Hàng ngàn người dân ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có Bình Thuận mất việc làm, không có thu nhập, việc ăn ở rất khó khăn.
Quốc lộ 1A, ngày bình thường là triệu triệu lượt người và phương tiện lưu thông. Covid đến như giặc đến. Con đường vắng lặng, không còn xe nhỏ xe to, rầm rập. Vậy mà có những ngày, từng đoàn xe máy lỉnh kỉnh, đoàn người lam lũ, đùm túm về quê ngang qua địa bàn tỉnh như một cuộc “di dân” vô tiền khoáng hậu.
Yêu cầu đặt ra, nếu chúng ta không chủ động kế hoạch đón thì người dân bằng mọi cách về quê tự phát, ồ ạt, lúc đó không thể quản lý được làn sóng dịch sẽ lây lan từ đây.
Không ít người lo lắng. Bởi tình hình dịch tại địa phương đang diễn biến phức tạp. Nguồn lây nhiễm chưa xác định. Y tế là vấn đề đáng lo ngại nhất khi máy móc phục vụ xét nghiệm, điều trị Covid -19 còn quá thiếu thốn; nhân lực vừa thiếu vừa yếu. Số ca mắc đang tăng lên từng ngày. Khu cách ly lúc bấy giờ đã quá tải. Nếu thêm lượng người từ TP. Hồ Chí Minh về sẽ rất khó khăn.
Song khi quan điểm, chủ trương đón dân Bình Thuận về quê tránh dịch dù có khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đưa ra và Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cao, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp bất kể ngày đêm để đưa ra giải pháp đón dân trở về mà vẫn đảm bảo an toàn cho hơn 1,3 triệu dân trong tỉnh. Sau khi nghiên cứu phân tích nhiều chiều, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong quyết định phải đón người dân Bình Thuận từ vùng dịch là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc làm này vừa để “chia lửa” cùng TP. Hồ Chí Minh trong lúc căng mình chống dịch, vừa là trách nhiệm của chính quyền chăm lo người dân và hơn hết là tính nhân văn, là nghĩa đồng bào.
Ngày 24/7, UBND tỉnh chính thức ban hành kế hoạch đón bà con ở TP. Hồ Chí Minh về quê tránh dịch. Ngày 31/7, chuyến xe đầu tiên đón đồng bào trở về quê hương trong niềm rưng rưng xúc động!
Một người về, cả cộng đồng chăm lo
Để đón được đoàn người về quê là điều không đơn giản. Từ khâu thông tin, tiếp nhận đăng ký, lập danh sách, tổ chức các chuyến xe, test nhanh, lấy mẫu xét nghiệm, phục vụ hậu cần, đón người về địa phương cần cả hàng trăm con người. Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội là đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Công an, Tỉnh đoàn, Sở TT -TT… cùng tham gia.
Các bộ phận được thiết lập như, bộ phận thu nhập thông tin, dữ liệu bà con đăng ký về, lập danh sách, sàng lọc đối tượng ưu tiên; bộ phận trực tiếp điều phối tại Bến xe Miền Đông... Những ngày đầu đăng ký, mỗi người nhận từ 200 - 300 cuộc gọi/ngày, các thành viên phải nhiều đêm thức trắng để xử lý dữ liệu, xét duyệt, lên danh sách... Sau khi hoàn thành danh sách, sẽ gửi vào TP. Hồ Chí Minh để nhận được sự phối hợp trong việc hỗ trợ cho người dân làm các xét nghiệm, hỗ trợ qua các chốt… Bộ phận điều phối tại bến xe thì chạy mướt mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ để lo việc gọi tên, kiểm tra các thủ tục và đặc biệt là phải test nhanh từng người trước khi lên xe…
Các địa phương trong tỉnh huy động lực lượng nhanh chóng triển khai các khu cách ly, bố trí nơi ăn, chốn ở để đón người dân về quê cách ly… Đồng thời quản lý những người dân được đưa về từ vùng dịch sao cho thật sự khoa học và an toàn.
Các tổ chức xã hội và doanh nghiệp tham gia chương trình đón đồng bào về quê tránh dịch một cách tận tâm, tận lực. Công ty xe Phương Trang (chi nhánh Bình Thuận), Nhà xe Minh Nghĩa là những đơn vị hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh trong việc hỗ trợ đón bà con ở TP. Hồ Chí Minh về quê tránh dịch.
Đến thời điểm này, Sở Lao động – Thương Bình và Xã hội đã tiếp nhận hơn 6.000 đơn đăng ký của người dân Bình Thuận ở TP. Hồ Chí Minh muốn trở về quê. Qua 4 đợt, tỉnh đã đưa hơn 1.200 người dân trở về. Các trường hợp là người dân đi khám, điều trị bệnh và người nuôi bệnh; học sinh, sinh viên có điều kiện khó khăn, không có người thân tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16; người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn được tỉnh ưu tiên đưa về trước.
Bình Thuận đang căng mình chống dịch. Giữa thời điểm này, chút bình yên, ấm áp cho những người con xa quê là được trở về an toàn sau những tháng ngày mưu sinh vất vả...
Đến thời điểm này Bình Thuận đã ghi nhận hơn 2.100 ca nhiễm Covid -19. Theo thống kê của Sở Y tế, qua 3 đợt đầu đón người dân về tập trung tại các khu cách ly thì có 26 trường hợp dương tính với vi rút Sars-CoV-2. Mỗi người dân được đón trở về cần chủ động tuân thủ các quy định về phòng chống dịch để vừa đảm bảo sức khỏe cho cá nhân, vừa tránh nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, người thân, cũng là đóng góp vào cuộc chiến chống dịch của tỉnh. |
Thanh Nhàn