Mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học ở Hàm Tân: An toàn, lợi nhuận cao

Kinh tế - Ngày đăng : 07:54, 04/01/2016

BT- Triển khai từ tháng 8/2015, đến nay nhiều hộ chăn nuôi ở xã Tân Hà (Hàm Tân) đã biết cách chăm sóc gà theo quy trình kỹ thuật, lấy phòng bệnh là chính. Đó là việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp về quản lý, ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa gia cầm và mầm bệnh, đảm bảo vệ sinh...
                
Mô hình nuôi gà an toàn sinh học tại xã Tân    Hà.

Chăn nuôi gà thả vườn là nghề chăn nuôi truyền thống, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ chăn nuôi gia đình ở nông thôn, góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Gà dễ nuôi, ít vốn đầu tư, tận dụng nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có tại địa phương và thời gian nhàn rỗi của bà con. Đây cũng là nguồn thực phẩm thơm ngon, chất lượng dinh dưỡng cao, hợp thị hiếu người tiêu thụ.

Cùng với nhiều vùng chăn nuôi khác, xã Tân Hà có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gà thả vườn. Tuy nhiên, chăn nuôi gà thường theo tập quán cũ nên dịch bệnh đe dọa, ít đầu tư hoặc có đầu tư nhưng thiếu kỹ thuật nên gặp nhiều khó khăn. Rủi ro nhất là khi nuôi các giống gà thả vườn với số lượng lớn. Năm 2015, thực hiện chương trình khuyến nông ở các xã khó khăn, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) phối hợp với Trạm Khuyến nông Hàm Tân đã triển khai chương trình “Chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học”, quy mô 780 con, thực hiện tại xã Tân Hà, huyện Hàm Tân. Theo đó, xã Tân Hà có 8 hộ ở các thôn Đông Hòa, Đông Hiệp, Đông Thanh và Đông Thuận tham gia mô hình, gồm hộ bà Lê Thị Quýt, Lê Thị Thảnh, ông Hoàng Văn Tố…

Mô hình bắt đầu triển khai từ tháng 8/2015 đến tháng 12/2015. Quá trình thực hiện, các hộ nuôi được Trung tâm KNKN giao 780 con gà và cám đợt 1, thuốc thú y. Giống gà ta chọn lọc 1 ngày tuổi do Trung tâm Giống vật nuôi Bình Thuận cung ứng.

Quá trình nuôi, bà con đều úm gà trên chuồng sàn, sử dụng bóng điện 75W úm cho 100 gà con, treo cách sàn 20 - 30 cm, thời gian úm khoảng 3 - 4 tuần. Vào giai đoạn thả, hộ nuôi làm chuồng theo địa thế của nhà, thích hợp cho việc chăm sóc, tránh gió lùa, mưa tạt. Đồng thời, tận dụng nguyên liệu sẵn có của địa phương như tre, gỗ, lưới. Riêng máng ăn, máng uống được nông dân mua các loại chuyên dùng cho chăn nuôi hoặc tận dụng vật liệu sẵn có để tự làm. Chuồng trại, dụng cụ được quét dọn sạch sẽ. Theo đại diện Trung tâm KNKN tỉnh, về chăm sóc nuôi dưỡng, gà nhận về cần cho nghỉ ngơi, uống nước sạch có pha vitamin C, chất điện giải, sau đó mới tập cho gà ăn. 2 ngày đầu cho gà ăn bắp xay nhuyễn, ngày thứ 3 bắt đầu trộn thức ăn hỗn hợp Cargill 5101. Để phòng bệnh cho gà, ở giai đoạn úm định kỳ, phòng bệnh bằng các thuốc Bio Tetracolivet, Gentatylo… kết hợp với Vime C- Electrolyte. Thường xuyên theo dõi đàn gà, phát hiện điều trị bệnh, loại thải gà bệnh kịp thời… Hộ nuôi Lê Thị Bảnh cho biết, qua hơn 3 tháng nuôi, đàn gà của gia đình phát triển tăng trọng nhanh và tỷ lệ chết thấp, lợi nhuận đạt gần 4 triệu đồng/100 con. Trong đó, tổng chi phí cho 100 con gà khoảng trên 9,6 triệu đồng, giá thành khoảng 62.000 đồng/kg, giá bán 80.000 đồng/kg thì lợi nhuận khoảng 18.000 đồng /kg.

Thông qua mô hình này, hy vọng người chăn nuôi trong tỉnh sẽ phát triển hướng chăn nuôi an toàn sinh học để nâng cao hiệu quả chăn nuôi và thu nhập... Mặt khác, bà con phải biết chọn giống gà phù hợp với điều kiện chăn nuôi từng vùng, có nguồn gốc từ vùng không có dịch; không mua gà trôi nổi và ứng dụng các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh một cách nghiêm ngặt nhất…

K. Hằng