Hàm Thuận Nam sẽ được đầu tư thêm nhà máy nước
Kinh tế - Ngày đăng : 14:04, 08/09/2021
Hồ Tà Mon (Tân Lập) thời điểm hạn hán. |
Nhu cầu cấp thiết
Là thủ phủ thanh long Bình Thuận, nhưng nhiều năm qua, huyện Hàm Thuận Nam vẫn là một trong những địa phương chịu tác động của hạn hán, thiếu nước nhất của tỉnh, đặc biệt là vào mùa khô. Trên địa bàn huyện hiện có 6 nhà máy cấp nước, gồm Nhà máy nước Hàm Mỹ (780 m3/ngày, đêm); Nhà máy nước Hàm Kiệm (800 m3/ngày, đêm); Nhà máy nước Mương Mán mới nâng cấp (1.500 m3/ngày, đêm); Nhà máy nước Hàm Cần (250 m3/ngày, đêm); Nhà máy nước Thuận Nam (2.200 m3/ngày, đêm) và Nhà máy nước Mỹ Thạnh (150 m3/ngày, đêm). Các nhà máy hiện trạng thuộc các xã Hàm Mỹ, Hàm Kiệm, Mương Mán và thị trấn Thuận Nam.
Ngoài nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt tại chỗ, các nhà máy còn được kết nối các tuyến ống với nhau để hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho các xã lân cận chưa có công trình cấp nước như xã Hàm Cường, Hàm Minh. Riêng xã Tân Lập nằm ở phía nam huyện (giáp thị trấn Thuận Nam) với khoảng 2.317 hộ/4 thôn, gồm thôn Lập Đức, Lập Phước, Lập Sơn và Tà Mon, với tổng số dân khoảng gần 10.000 người chưa có công trình cấp nước sạch. Theo đó, toàn bộ các hộ dân trên địa bàn xã vẫn phải sử dụng nước từ nguồn giếng đào hoặc giếng khoan. Do vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam là hết sức cần thiết. Công trình đầu tư xây dựng sẽ đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước sạch cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại vùng dự án.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ đảm bảo cấp nước cho khoảng 9.529 người của xã Tân Lập, đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước sạch 100 lít/người tính đến năm 2030.
Nhà máy công suất 2.000 m3/ngày, đêm
Từ nhu cầu thực tế cấp thiết về nguồn nước sạch để phục vụ người dân vùng hạn Hàm Thuận Nam, UBND tỉnh đã trình đề xuất chủ trương đầu tư dự án Hệ thống cấp nước xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam tại kỳ họp thứ 2 - HĐND tỉnh khóa XI và nhận được sự thống nhất của Ban Kinh tế - Ngân sách tỉnh, đủ điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Theo đó, chủ trương đầu tư dự án Hệ thống cấp nước xã Tân Lập đã được HĐND tỉnh khóa XI ban hành nghị quyết phê duyệt.
Về quy mô đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý nước công suất 2.000 m3/ngày, đêm. Bao gồm các hạng mục cần thiết như hồ sơ lắng nước sạch, hồ chứa nước rửa lọc, nhà quản lý, nhà hóa chất và kho xưởng… Riêng hạng mục tuyến ống, sẽ lắp đặt hệ thống tuyến ống chuyển tải và phân phối bằng ống HDPE, đường kính D63 đến D250 với tổng chiều dài khoảng 39.320 m...
Với thiết kế công suất khá cao, đường ống dài và đường kính lớn, người dân xã Tân Lập nói riêng và Hàm Thuận Nam nói chung tin tưởng không chỉ riêng vùng trung tâm, mà những vùng dân cư xa hệ thống cấp nước cũng sẽ được tiếp cận nguồn nước sạch. Đồng thời, hình thành ý thức và thói quen về sử dụng nguồn nước sinh hoạt an toàn, thay thế dần việc sử dụng nước giếng khoan, giếng đào. Chắc chắn, khi huyện Hàm Thuận Nam được đầu tư thêm nhà máy nước trong năm tới, người dân địa phương rất phấn khởi, vơi bớt nỗi lo thiếu nước mỗi khi mùa khô đến…
Dự án Hệ thống cấp nước xã Tân Lập là dự án thuộc nhóm C, dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 55,160 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Tân Lập và thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam (Nhà máy xử lý nước gần hồ Tân Lập). Thời gian thực hiện dự án trong 3 năm (từ năm 2022 đến năm 2024) theo hình thức đầu tư mới. |
Kiều Hằng