Điện gió… khó đủ điều!

Kinh tế - Ngày đăng : 09:28, 22/01/2016

BT- Bình Thuận là  nơi có tiềm năng điện gió lớn nhất Việt Nam.  Bình Thuận cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước có Quy hoạch điện gió đến năm 2020 được phê duyệt với tổng công suất 700 MW.
                
      
Dự kiến trong năm 2016, Bình Thuận chỉ có    duy nhất dự án Điện gió Phú Lạc - giai đoạn 1 (công suất 24 MW) hoàn    thành và đưa vào vận hành.

Tính đến nay,  Bình Thuận thu hút 16 dự án điện gió, đăng ký tổng công suất là 1.230 MW, trong số đó có 5 dự án  được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên hiện mới có 2 dự án (nhà máy Phong điện 1, nhà máy Điện gió Phú Quý) hoàn thành,  vận hành với tổng công suất 36 MW và 1 dự án (Điện gió Phú Lạc) công suất 24 MW đang xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay… Tại hội nghị tổng kết ngành công thương vừa tổ chức, đại diện Hiệp hội Điện gió Bình Thuận nêu lên những khó khăn mang tính đặc thù trong phát triển điện gió.

Theo đó, chi phí sản xuất cũng như chi phí đầu tư cho các dự án điện gió tại Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng luôn ở mức cao, bởi hầu hết trang thiết bị phải nhập từ nước ngoài. Thêm nữa, chi phí vận hành bảo dưỡng khá cao do thị trường hậu mãi cho điện gió chưa phát triển, lưới điện quốc gia còn nhiều khiếm khuyết và thiếu ổn định nên thường làm gián đoạn việc “nối lưới”, gây mất sản lượng không đáng có.  Các nhà đầu tư dự án điện gió còn đối diện hàng loạt khó khăn như: Lãi suất cho vay trong nước quá cao, khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chồng lấn quy hoạch dự án với ranh giới điều tra khoáng sản titan - zircon, thiếu chuyên gia có kinh nghiệm…

Đặc biệt, giá mua điện gió ở Việt Nam dù được Chính phủ ưu tiên trợ giá (tương đương 7.8 US Cent/kWh), song hiện vẫn thuộc diện thấp nhất thế giới. Cũng theo Hiệp hội Điện gió, thực tế cả 3 dự án điện gió trong nước đang hoạt động (trong đó có 2 dự án ở Bình Thuận) đều không áp dụng giá mua điện như quyết định của Chính phủ. Thế nên các dự án đều gặp khó về trả nợ và lãi vay, đối với một số dự án đã được cấp phép thì chưa thể khởi công do không vay được vốn.

Những vấn đề nêu ra dù không mới nhưng một lần nữa, cho thấy khó khăn mà các chủ đầu tư dự án điện gió đang gặp phải.

QUỐC TÍN