Thanh long mất giá, khắp nơi rao bán vườn
Kinh tế - Ngày đăng : 09:50, 28/01/2016
Hàng trăm hộ dân trồng thanh long, nhà vườn, chủ vựa đang phải “đau đầu” với mức giá thanh long hiện nay. Ảnh: Đ.Hòa |
Mất thế thượng phong
Không phải ngẫu nhiên mà hàng trăm hộ dân trồng thanh long, nhà vườn, chủ vựa đang phải “đau đầu” với mức giá thanh long hiện nay. Một thực trạng khó kiểm soát khi thương lái Trung Quốc đã mặc nhiên bước vào thu mua thanh long bằng con đường visa du lịch. Mục đích họ đến là thu mua thanh long, nhưng lại thông qua người Việt. Thương lái Trung Quốc “cao cơ” hơn khi sẵn sàng mua với giá cao hơn 1.500 – 2.000 đồng/kg. Và khi người Việt đứng ra mua thanh long, phía thương lái sẽ trích phần chiết khấu, thế là chính người Việt o ép giá, và khi giá càng thấp, chiết khấu càng nhiều. Đó là cách dùng người Việt “hạ” người Việt.
Cách mua bán này đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp trong nước, cụ thể là doanh nghiệp địa phương rất lớn. Vì chính thương lái Trung Quốc là người “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Một nhà vườn chia sẻ: “Tình hình này kéo dài, bà con chắc chắn sẽ khốn khổ. Nhà vườn mất thế, vì chính thương lái sẽ khống chế giá, để họ hưởng phần lợi về mình” – anh Đ. V. T chia sẻ. Tương lai của thanh long sẽ về đâu, năm 2016 sẽ là một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất từ trước đến nay, ai mạnh sẽ thắng, ai có kênh phân phối tốt sẽ bám trụ được với thị trường này. Thanh long Bình Thuận là nôi xuất phát, nhưng chừng ấy thời gian trôi qua, với nhiều diện tích được mở rộng, doanh nghiệp vẫn không cạnh tranh được, người Việt vẫn thu mua không bằng thương lái Trung Quốc, vì sao? Có lẽ, với thói quen cố hữu, ngủ say trên chiến thắng mà quên rằng, lợi thế được bao lâu và làm thế nào để giữ được thế thượng phong của “thủ phủ rồng xanh”.
Khắp nơi rao bán vườn
Chưa bao giờ giá thanh long trong mùa tết lại “ổn định” đến mức không ngờ: 7.000 – 8.000 đồng/kg trong một thời gian dài. Khác với nhiều năm trước, bà con nông dân hớn hở khi thanh long ở mức trên 20.000 đồng/kg, thì hiện nay nằm yên ổn. “Gần cả tháng nay, giá vẫn vậy, lỗ nặng, chưa biết tính sao đây” – vợ chồng anh M (Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc) chia sẻ.
Cũng tương tự anh T cũng cho hay, để giá rớt như vậy một phần là do thương lái Trung Quốc chi phối. Hiện tại ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc nhiều nhà vườn rao bán vườn với giá rẻ mạt. Một vườn thanh long 1.000 trụ, đã hạ bình điện hẳn hoi nhưng rao bán chưa tới 600 triệu đồng cũng không ai mua. Cho thuê thì không ai dám nhận làm. “Bán không ai mua vì thị trường hiện nay không mạo hiểm, thuê cũng chẳng ai dám vì giá thấp nhưng chi phí nhân công, thuốc lại quá cao. Có chủ vườn chán, cho làm không để giữ đất” – anh T chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có gần 70% nhà vườn cho thuê để an toàn. Nhiều chủ vườn vào thời điểm cuối năm phải bán tài sản để giải quyết khoản nợ ngân hàng thay vì đi mua vào như những năm trước. Trong một hội thảo về quy hoạch thanh long đến năm 2020 mới đây cũng đề cập đến vấn nạn thương lái Trung Quốc dùng visa du lịch đến Việt Nam, cụ thể đến Bình Thuận với mục đích thu mua thanh long. UBND tỉnh cũng đã xử phạt hành chính ít nhất hơn 30 trường hợp, nhưng liệu rằng đó có phải là cách tháo gỡ duy nhất để cứu cho thị trường giá thanh long. Với mức phạt hành chính hình như chưa đủ đô khi lợi nhuận từ việc thu mua của họ có thể giải quyết mức phạt?
Quang Nhân