Cây trôm trên vùng đất đồi Sông Phan

Kinh tế - Ngày đăng : 08:39, 22/02/2016

BT- Mạnh dạn lựa chọn cây trôm trồng trên vùng đất đồi khô hạn ở thôn Tân Hòa, xã Sông Phan (Hàm Tân), gia đình ông Nguyễn Hữu Viên (43 tuổi) đã tìm hướng phát triển kinh tế mới khá hay. Cách làm của ông đã phủ xanh đất trống đồi trọc, bước đầu mang lại tín hiệu vui cho vùng đất còn nhiều khó khăn này.
                
      
Gia đình ông Viên đã tìm hướng phát triển    cây trồng mới ở vùng đất đồi còn nhiều khô khăn.

Những ngày này về xã miền núi Sông Phan, chúng tôi ghi nhận có nhiều đổi khác. Từ khi quốc lộ 55, đoạn qua địa bàn xã đi vào hoạt động, đã góp phần thay đổi đáng kể về nhiều mặt. Tình hình kinh tế, đời sống văn hóa xã hội của người dân xã miền núi nơi đây được nâng cao phần nào, những mô hình kinh tế mới cũng dần được hình thành.

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Viên, ở thôn Tân Hòa, mới biết sự mạnh dạn trong việc lựa chọn giống cây trồng mới trên vùng đất đồi khô hạn. Trước đây trên diện tích hơn 2 ha đất đồi, gia đình ông Viên chỉ sản xuất hoa màu ngắn ngày, nguồn thu bấp bệnh, thậm chí có mùa mất trắng do thời tiết nắng hạn. Bao năm sản xuất, nhưng hiệu quả kinh tế chẳng bao nhiêu.

Từ khi địa phương hướng dẫn chuyển đổi một số cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, ông Viên quyết định chọn cây trôm để trồng. “Nhờ nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ trôm, năm 2011, tôi mua 1.000 cây giống về trồng trên diện tích đất đồi hơn 2 ha. Khi đưa cây trôm vào trồng ở vùng đất đồi cũng khá lo lắng, vì trước giờ địa phương chưa ai trồng loại cây này. Nhưng với quyết tâm, chịu khó học hỏi, cố gắng chăm sóc. Qua từng năm cây trôm sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay cây trôm được 5 năm tuổi và đang được khai thác mủ lần đầu tiên”, ông Nguyễn Hữu Viên cho biết.

Qua kinh nghiệm thực tế, ông Viên tiết lộ, trôm là loại cây chịu hạn tốt, lại dễ trồng, phù hợp trên vùng đất đồi khô hạn, vốn đầu tư và công chăm sóc không nhiều, chi phí đầu tư hàng năm không đáng kể, lượng phân bón cho cây trôm ít hơn nhiều so với các cây trồng hoa màu khác. Trung bình 1.000m2 trồng khoảng 50 cây, khoảng cách mỗi cây 4m, hàng cách hàng cũng 4m. Khi trồng đến năm thứ 5 bắt đầu khai thác mủ là tốt nhất. Cây trôm được khai thác mủ bằng cách lần lượt đục vào vỏ cây nhiều lỗ vuông hoặc tròn ở các vị trí khác nhau từ gốc cây trở lên. Sau đó, từ các lỗ bị đục tiết ra nhựa (còn gọi mủ), quy trình lấy mủ quay vòng từ 1 - 2 ngày, thời gian lấy mủ kết thúc sau khi các lỗ tiết nhựa từ thân cây tự lành trở lại.

“Để đảm bảo lượng mủ trôm khai thác trắng, sạch không bị ố vàng, tôi áp dụng cách khai thác mủ theo hướng an toàn. Trên diện tích 1.000 cây, trong đó chọn những cây lớn để khai thác theo quy trình kín (hướng sạch an toàn). Tức mỗi cây trôm khi đục lỗ xong, gắn hủ nhựa bên dưới để mủ tiết ra chảy vào hủ. Xung quanh vết đục lỗ dùng bạt ni lông bao kín từ trên xuống dưới. Trong quá trình cây tiết ra mủ không bị bụi bặm bám, mưa không thấm vào trong. Cứ sau một ngày đêm cây cho mủ, sau đó được thu hoạch, mang phơi trên các tấm tôn sạch, mủ khô trắng đảm bảo”, ông Viên chia sẻ.

Đến thời điểm này lượng mủ trôm sạch ông Viên thu được hơn 150kg. Ưu điểm cách khai thác mủ trôm sạch, chỉ tốn tiền đầu tư bạt ni lông, hủ nhựa ban đầu, sau đó dùng được vài năm. Cách làm này mủ trôm không bị vàng, không tốn công để làm sạch sau khi thu hoạch. Được các cơ sở chế biến mủ trôm thu mua với giá cao hơn cách khai thác mủ trôm thông thường. Hiện giá mủ trôm sạch, đảm bảo chất lượng đang được các cơ sở chế biến mủ trôm thu mua với giá cao ổn định. Đây là điều thuận lợi để ông chú trọng đầu tư và khai thác mủ yên tâm, phát triển mô hình. Với cách lựa chọn cây trôm trồng trên vùng đất đồi còn nhiều khó khăn, ông Viên đã tìm ra hướng phát triển mới cho gia đình.

    
      “Hiện xã Sông Phan có hơn 5 ha đất đồi được chuyển đổi trồng cây trôm,   bước đầu đi vào khai thác mủ. Theo chủ trương của địa phương, đối với   những vùng đất đồi sản xuất hoa màu kém hiệu quả, đang khuyến khích   người dân mạnh dạn chuyển đổi, lựa chọn các cây trồng mới phù hợp. Cách   làm này sẽ phát huy lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao   thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân xã miền núi” - ông Kiều Văn   Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Phan cho biết.

Nguyên Chân