Chuyên gia lý giải hiệu quả của vaccine AstraZeneca khi rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm
Trong nước - Ngày đăng : 14:44, 14/09/2021
Vừa qua, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi đến Bộ Y tế, đề nghị được xem xét và có ý kiến về việc có thể rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine AstraZeneca.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế và theo các tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca là từ 8-12 tuần. Nhằm đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vaccine ngừa COVID-19, Sở Y tế TPHCM đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến chỉ đạo về việc có thể rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết đã nhận được đề nghị này và Bộ Y tế đang xem xét đề nghị. Nguyên tắc là thực hiện theo hướng dẫn lịch tiêm của nhà sản xuất và Bộ Y tế.
Sáng 14/9, trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc cho rằng, nhà sản xuất khuyến cáo liều hai cách liều một của vaccine AstraZeneca là 4-12 tuần thay vì 8-12 tuần. Tuy nhiên, việc chọn khoảng cách giữa hai mũi tiêm từ 8-12 tuần bởi đây là khoảng thời gian vaccine sẽ cho hiệu quả bảo vệ tối ưu, tức là miễn dịch tạo ra trong khoảng thời gian 8-12 tuần sẽ ở mức độ cao hơn thời điểm trước 8 tuần. Vấn đề là phải cân đối giữa việc chọn sớm có bảo vệ hay muốn bảo vệ ở mức độ cao.
BS Thái nêu rõ, các nghiên cứu cho thấy, khoảng cách hai liều là 8-12 tuần thì hiệu quả vaccine phòng nhiễm bệnh cao hơn, còn việc phòng bệnh nặng và nhập viện thì hai phương án này không chênh nhau nhiều, vẫn trên 90%.
"Nếu tiêm hai liều với khoảng cách này, vaccine có thể đạt hiệu quả cao phòng nhiễm tới 83%, phòng thể nặng và nhập viện trên 90%, trong khi tiêm trước 8 tuần tỷ lệ bảo vệ phòng nhiễm chỉ khoảng 71%. Tuy nhiên, tỷ lệ phòng thể nặng và nhập viện không chênh nhiều, vẫn trên 90%".
Theo BS Thái, tại vùng có dịch nên tiêm sớm, còn những vùng không có dịch thì nên cố gắng chờ đến 8 tuần thì tiêm.
Theo racgp và abc, trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh và nguy cơ xuất hiện những biến thể nguy hiểm hơn trong tương lai, nhiều nước trên thế giới đang tính đến chuyện rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm để đảm bảo khả năng bảo vệ tốt nhất cho người dân. Trên thực tế, đây không phải là giải pháp mới.
Như tại Anh, nước này đã quyết định rút ngắn thời gian chờ giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca từ 12 tuần xuống 8 tuần cho những người từ 40 tuổi trở lên để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Delta. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng cách 12 tuần giữa các liều vaccine AstraZeneca mang lại sự bảo vệ tối ưu. Tiêm liều thứ 2 sớm hơn mang lại ít sự bảo vệ hơn, nhưng lại là một giải pháp để nhiều người được tiêm chủng và được bảo vệ đầy đủ hơn.
Trong khi đó tại Australia, Nhóm Cố vấn Kỹ thuật quốc gia về Tiêm chủng (ATAGI) đã khuyến nghị rằng khoảng cách 12 tuần tiêu chuẩn giữa liều đầu tiên và thứ hai của AstraZeneca nên giảm xuống còn 4–8 tuần đối với những người sống ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.
Theo các chuyên gia dịch tễ, mối quan tâm lớn nhất lúc này là biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn và có thể nghiêm trọng hơn, dẫn đến khả năng nhập viện cao hơn. Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi tiêm xuống 8 tuần vẫn cung cấp mức độ bảo vệ khá tốt. Các nghiên cứu tại Australia cho thấy, một liều duy nhất của vaccine COVID-19 AstraZeneca giúp giảm 30% nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng khoảng 30% và nhập viện là 71%. Tuy nhiên, hai liều vaccine COVID-19 AstraZeneca làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh có triệu chứng hơn nữa, lần lượt 67% và 92%. Do đó, rút ngắn khoảng cách giữa liều thứ nhất và thứ hai sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ ngắn hạn. Điều này được cho là có lợi trong các tình huống bùng phát mạnh dịch bệnh và bất kỳ quyết định nào để giảm khoảng thời gian khuyến nghị giữa các mũi vaccine đều nên dựa trên mục tiêu của mỗi quốc gia.
Minh Khánh- CTV Châu Nhi/VOV