Nhớ tiếng trống trường!
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:14, 17/09/2021
Thu phương Nam trời ẩm đục chực chờ những cơn mưa. Thu không có gió heo may, không có ao trong lạnh lẽo. Sắc thu náu mình lặng lẽ. Cây vú sữa trước nhà ra hoa sớm, mùi thơm dìu dịu thoảng bay. Bất chợt nỗi buồn man mát, bất chợt nhớ ngày khai trường.
Nhà thơ Thanh Tịnh viết hay quá: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và giá lạnh, mẹ tôi âu yếm dẫn tôi đến trường…”. Buổi mai hôm ấy, nghe như bước chân trên con đường làng còn vang vang trong nắng sớm, nghe như hơi ấm từ bàn tay mẹ còn đọng lại trên thịt da. Thời gian chẳng ai níu giữ được. Mẹ ngày xưa giờ đã không còn và tôi tuổi tác cũng chất đầy.
Còn mấy hôm nữa đến ngày tựu trường. Nhớ quá thời ấu thơ, nhớ những ngày xưa tiểu học. Tiếng trống trường tùng tùng vang vọng sớm thu, báo hiệu ngày tựu trường năm học mới. Trên con đường làng cỏ còn ướt đẫm sương mai, bọn học trò chúng tôi ngày ấy, áo mới, cặp mới tung tăng vui đùa hớn hở. Tiếng nói, tiếng cười, chọc ghẹo nhau làm huyên náo cả con đường. Có đứa nghịch ngợm xô nhau trượt té, quần áo, sách vở lấm lem. Những trò nhỏ tuổi hơn bị chọc ghẹo, cứ khóc hu hu đòi trưa về méc mẹ.
Trên đường đi học, còn tranh khoe nhau từng chiếc áo, cái cặp, cây viết chì cả miếng giấy nhậm mẹ mới mua vài hôm trước. Rồi kể cho nhau nghe chuyện câu cá, bẫy nhông, bắt dế, bắt chim… trong mấy tháng hè. Đứa nào cũng có cả khối chuyện.
Học trò tiểu học ngày ấy phần đông lớn tuổi, có đứa “già chát” mà còn lớp ba, lớp tư. Những tháng hè ở nông thôn, học trò gắn liền với ruộng đồng, ao hồ sông suối. Suốt ngày thả trâu bò, lông nhông tìm đủ thú vui. Đến ngày đi học lôi ra kể lại, kể cả năm học cũng không hết chuyện.
Ngày khai trường, được lên lớp, hãnh diện lắm. Bọn con nít mới vào sợ răm rắp. Có củ khoai, trái bắp gì chúng cũng mang lại tặng “đàn anh”.
Đi học hồi ấy, không nặng nề sách vở như bây giờ, mỗi trò chỉ vài quyển vở mỏng loại 50 trang, một hai cuốn sách. Bìa vở dùng giấy báo để bao, trên góc bìa có dán cái nhãn, ghi họ tên, lớp và môn học. Đứa nào có cặp thì cho vào cặp mang bên vai, đứa không có cặp cho vào bịch ni lon. Ngoài vở sách còn mấy thứ như lọ mực, bút chấm mực, bút chì, cục gôm, miếng giấy nhậm và cây thước kẻ để kê gạch cho thẳng hàng.
Chỉ mới ngày đầu khai giảng, xong chào cờ vào lớp chép thời khóa biểu mà mặt mày, áo quần đứa nào cũng dính mực tèm lem. Có đứa nghịch quá bị cô lấy thước khẻ bàn tay hay nhéo lỗ tai đau đến biết.
Còn nhớ năm lớp nhì (bây giờ là lớp 4) qua học ở Trường tiểu học Tân Tạo. Lớp học bạn bè toàn người “di cư”, chỉ mỗi tôi là người Quảng. Những ngày đầu lạ trường, lạ bạn, tôi ngồi co ro, rụt rè đến sợ hãi.
Ngồi bàn sau tôi có hai nhỏ “Bắc kỳ” đại nghịch, hết nhái tiếng lại lấy mực vẩy lên áo. Ngày nào tôi cũng phải chịu trận với hai “nữ quái” này. Mỗi lần méo méo cái mặt định thưa cô thì chúng nó ùa nhau nhái tiếng trêu ghẹo, con trai chi mà mít ướt rứa. Tự ái, mắc cỡ, tôi đành làm thinh .
Ngày xưa tiểu học là vậy đó. Đứa nào đi học về mà mặt mày, quần áo, tay chân không dính mực mới là lạ. Mẹ, chị ngày nào cũng la rát họng, vậy mà có ngày nào sạch sẽ đâu!
Bây giờ học trò đi học sướng hơn rất nhiều. Mọi thứ đều được cha mẹ sắm cho đầy đủ. Học sinh tiểu học bây giờ không còn viết chữ bằng bút chấm mực nên áo quần sạch sẽ hơn. Có điều nhìn tuổi nhỏ đi học thấy cũng tội tội, nhiều sách vở, dụng cụ học quá, các em phải đựng cả một “ba lô” mang đến oằn lưng. Có đứa mang không nỗi, cha mẹ phải sắm cho chiếc “va ly” có bánh xe, có tay kéo, chúng kéo lê trên đường như hành khách kéo hành lý vào phi trường!
Với lại ngày khai trường đối với các em không còn mấy cái cảm giác linh thiêng, háo hức như ngày xưa. Thời gian nghỉ hè các em phải đi học thêm, ngày ngày đều gặp mặt, không có khoảng cách đợi chờ. Vào niên học, các em lại tập trung học sớm trước ngày khải giảng, nên ý nghĩa ngày tựu trường nó loãng đi là thế.
Năm nay dịch bệnh không có ngày tựu trường. Ngồi một mình nhìn mấy chiếc lá vàng bay, chợt nhớ quá ngày khai trường thời tiểu học!
Ngô Văn Tuấn