Không vì bất cứ lý do gì mà chậm trễ dự án cao tốc 

Kinh tế - Ngày đăng : 08:41, 18/09/2021

BTO- Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong tại cuộc họp trực tuyến với các huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân vào chiều 17/9 về rà soát tiến độ, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và cấp phép các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đường bộ Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong, lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo các Ban quản lý dự án (Bộ Giao thông vận tải) và các điểm cầu trực tuyến tại các huyện.

Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương, các nhà thầu, đơn vị thi công đã có nhiều nỗ lực và có những kết quả, chuyển biến tích cực trên công trường. Tuy nhiên các dự án vẫn còn vướng mắc, trong đó 2 vướng mắc chủ yếu là tiến độ giải phóng mặt bằng và vật liệu đất đắp nền.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong phát biểu tại cuộc họp

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, hiện nay các địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đạt 100% hồ sơ. Toàn tỉnh có 2.668 số hộ và tổ chức đã bàn giao mặt bằng, đạt 99,4%. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn 16 hộ chưa nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng và 5 hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa đồng ý cho thi công. 

Cụ thể, huyện Bắc Bình còn 1 hộ chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng; huyện Hàm Thuận Bắc còn 1 hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa đồng ý cho thi công; huyện Hàm Thuận Nam còn 6 hộ chưa nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng, 3 hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa đồng ý thi công; huyện Hàm Tân còn 9 hộ chưa nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng và 1 hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa đồng ý cho thi công. Huyện Tuy Phong là địa phương duy nhất hoàn thành công tác này. Ngoài ra, đã có 5 khu tái định hoàn thành và bố trí tái định cư cho các hộ dân. 

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến

Đối với tiến độ giải quyết mỏ vật liệu đất đắp phục vụ cho dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện sở đang hoàn tất thủ tục cấp phép đối với 3 mỏ, dự kiến trong quý 4/2021 sẽ đưa vào khai thác. Riêng đối với 10 mỏ được Ban Quản lý Dự án 7 đề xuất cấp mới không qua đấu giá cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù quy định tại Nghị quyết 60/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/6/2021 (khối lượng cung cấp khoảng 6,0 triệu m3), Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Ban Quản lý Dự án 7 và thống nhất lộ trình giải quyết hoàn tất thủ tục đưa các mỏ vào khai thác trong cuối quý 1/2022.  

Tại cuộc họp, chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong nhấn mạnh: Trước đây, Bình Thuận là một trong những tỉnh dẫn đầu về công tác bồi thường, giải  phóng mặt bằng, nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, công tác này bị chậm tiến độ và kéo dài. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương liên quan báo cáo những vướng mắc cụ thể đối với từng hộ dân và cam kết thời gian giải quyết dứt điểm, không vì bất cứ lý do gì mà chậm trễ, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Những hình ảnh thi công tại công trường Dầu Giây – Phan Thiết

Các địa phương cũng đã giải trình những khó khăn vướng mắc, đồng thời quyết tâm hoàn thành sớm công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng; phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý dự án, nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ của dự án. 

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tuấn Phong nhấn mạnh: Đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần phải quyết liệt trong triển khai, lên ngay kế hoạch thực hiện theo lộ trình cụ thể. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, chậm nhất đến 15/10 phải giải quyết dứt điểm. Đối với việc cấp phép các mỏ, cố gắng trong tháng 1/2022 hoàn tất thủ tục để đưa vào khai thác. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các địa phương rà soát lại công tác giải ngân nguồn vốn. 

                                                               Ngọc Diệp