Thuế môn bài chuyển thành lệ phí, thu ngân sách tăng gần 1000 tỷ đồng
Kinh tế - Ngày đăng : 08:57, 13/03/2016
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí môn bài. Theo đó, từ 1/7/2017, lệ phí môn bài sẽ thay cho thuế môn bài trước đây và mức thu lệ phí môn bài sẽ tăng mạnh.
Sửa chính sách môn bài, tăng thu cho ngân sách gần 1.000 tỷ đồng
Theo giải thích của Bộ này, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Phí và lệ phí, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, thay thế Pháp lệnh phí và lệ phí, trong đó chuyển từ thuế môn bài sang thành lệ phí môn bài. Do đó, việc ban hành Nghị định quy định về lệ phí môn bài là cần thiết, tạo khung pháp lý đầy đủ và đồng bộ với các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật phí và lệ phí.
Theo quy định mới, dự kiến hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm sẽ không phải nộp lệ phí môn bài (Ảnh minh họa: KT) |
Theo quy định hiện hành, tổ chức kinh doanh nộp thuế môn bài theo 4 bậc, căn cứ vào vốn đăng ký ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư. Cụ thể:
Còn hộ cá nhân kinh doanh cá thể nộp thuế môn bài theo 6 bậc căn cứ vào mức thu nhập trên tháng như sau:
Theo dự thảo Nghị định về lệ phí môn bài, khi áp dụng quy định mới, lệ phí môn bài sẽ được thu đối với doanh nghiệp, có 4 mức còn đối với cá nhân kinh doanh, hộ cá thể kinh doanh chỉ thu 2 mức:
Bộ Tài chính cho rằng, với mức thu mới sẽ bảo đảm công bằng và phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp. Cụ thể, đối với doanh nghiệp chia theo quy mô nguồn vốn đăng ký: mức thu cao đối với doanh nghiệp có vốn đăng ký lớn và mức thu thấp hơn đối với doanh nghiệp có vốn đăng ký nhỏ; Còn đối với hộ, cá nhân kinh doanh, phân biệt theo doanh thu, phù hợp với khả năng đóng góp.
Nếu thu thuế môn bài theo quy định hiện hành, số thu ngân sách nhà nước từ thuế môn bài khoảng 1.700 tỷ đồng/năm. Còn khi áp dụng quy định mới thu lệ phí môn bài thì số thu dự kiến khoảng 2.685 tỷ đồng/năm, bảo đảm tăng thu ngân sách nhà nước so với hiện hành.
Bộ Tài chính đề xuất quy định cơ quan thu lệ phí môn bài nộp 100% tổng số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Mục lục ngân sách nhà nước.
Bậc thuế môn bài hiện hành đã lạc hậu so với... tiền lương
Theo phân tích của Bộ Tài chính, trong quá trình thực hiện chính sách thuế môn bài thời gian qua, có nhiều bất cập, vướng mắc. Chẳng hạn, đối với hộ kinh doanh cá thể phần lớn nộp thuế theo phương pháp khoán, không thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách, hóa đơn chứng từ, không hạch toán được kết quả sản xuất kinh doanh thì mức thu thuế môn bài lại quy định gồm 6 mức căn cứ vào thu nhập trên tháng. Hàng năm cơ quan thuế phải tốn nhiều thời gian cho công tác điều tra doanh số, chi phí hành thu cao.
Về bản chất thuế môn bài là một khoản lệ phí, nhằm kiểm kê kiểm soát số lượng cơ sở có hoạt động kinh doanh trong năm. Tuy nhiên, mức thu môn bài khu vực hộ kinh doanh gồm 6 mức tùy thuộc thu nhập trung bình 1 tháng, gây nhiều khó khăn cho cả người nộp thuế, cơ quan thuế trong việc xác định mức nộp dẫn đến bỏ sót thuế, không phát huy được hết chức năng kiểm đếm số lượng cơ sở kinh doanh.
Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, cá nhân có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nếu có 2 người phụ thuộc thì thu nhập dưới 16,2 triệu đồng/tháng cũng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó theo bậc môn bài hiện hành, hộ kinh doanh có thu nhập 300.000 đồng cũng phải nộp thuế môn bài. Như vậy quy định vê mức thu nhập để phân bậc môn bài hiện hành của hộ kinh doanh không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, mức môn bài hiện hành khi xây dựng căn cứ theo mức lương tối thiểu năm 2002 là 290.000 đồng/tháng. Hiện nay, mức lương tối thiểu đã lên 1.150.000 đồng (từ 1/5/2016 lên mức 1.210.000 đồng). Do đó, việc xác định bậc thuế môn bài hiện nay không phù hợp với sự thay đổi của tiền lương.
Những tồn tại nêu trên là căn cứ quan trọng để Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về việc điều chỉnh mức thuế môn bài và chuyển sang thu lệ phí môn bài cho phù hợp với quy định của Luật phí và lệ phí./.
Xuân Thân/VOV