Tuy Phong: Loay hoay tìm đầu ra cho nông sản

Kinh tế - Ngày đăng : 14:14, 20/09/2021

BTO- Sau nhiều năm phát triển, đến nay nho, táo được xem là sản phẩm nông sản thế mạnh của Tuy Phong, nhưng nông dân vẫn loay hoay tìm đầu ra. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp khắp cả nước, thì khâu tiêu thụ càng chồng chất khó khăn dù địa phương đã nỗ lực tìm kênh kết nối.

Không chỉ được xem là cây trồng chủ lực của huyện Tuy Phong, mà hơn 46 ha cây nho ở vùng đất đầy nắng gió này còn là điểm nhấn du lịch ấn tượng cho du khách trong và ngoài huyện. Nếu không có dịch Covid – 19, vườn nho xanh khoảng 2 sào của chị Nguyễn Thị Lành (thôn 1, xã Phước Thể) đã nhộn nhịp đón khách đến tham quan trong những tháng hè vừa qua. Và những chùm nho xanh mát mắt, trĩu quả có thể giúp chị kiếm hơn trăm triệu đồng sau nhiều tháng chăm sóc. Nhưng dịch ập tới, Phước Thể không may lại bị phong tỏa vì có ca dương tính, lại gặp mưa trái mùa khiến nhiều chùm nho nứt trái, bị nấm, hư hao nhiều. Thêm vào đó, thương lái ép giá chỉ còn 25.000 đồng/kg, so với 40.000 đồng/kg trước khi có dịch, làm chị Lành thất thu, ngậm ngùi vì dịch.


Hiện nay, đa số người dân ở Phước Thể đã phá bỏ giống nho đỏ, nho xanh, chuyển sang giống nho Hồng Nhật vì mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đây là giống nho mới, trái to, đều, vỏ dày, có 2 màu xanh – hồng và căng mọng nước khi chín. Đặc biệt nho Hồng Nhật có năng suất tăng gấp đôi khoảng 1,5 đến 2 tấn/ 1 sào, giá bán ra thị trường từ 60.000 đến 120.000 đồng. Tuy nhiên, thời điểm này, nho Hồng Nhật cũng bị tư thương ép giá chỉ còn khoảng 60.000 – 85.000 đồng/kg do việc vận chuyển hàng hóa khó khăn và thường xuyên bị “dội” chợ.

Để tìm đầu ra ổn định và gầy dựng thương hiệu nho địa phương, Hội Nông dân xã Phước Thể đã cố gắng tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, hướng dẫn nông dân bao lưới toàn bộ diện tích giàn nho, dù vốn đầu tư ban đầu tương đối cao song cây nho được hạn chế quá trình phun xịt thuốc, trái nho tránh được các loại côn trùng xâm hại như ruồi vàng. Đặc biệt, là hạn chế tối đa tình trạng nước mưa gây hư hại nho, nhất là nho vào mùa thu hoạch đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất sạch. Tuy nhiều diện tích nho được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng việc kết nối tiêu thụ giữa nhà nông và doanh nghiệp vẫn còn xa vời.

Trong khi trái nho lao đao đầu ra, thì táo Phong Phú có vẻ ổn định hơn khi giá vẫn nằm ở mức chuẩn từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Khá ngạc nhiên khi hầu hết mặt hàng nông sản đều bị ảnh hưởng vì dịch Covid - 19, thì trái táo ở vùng đất Phong Phú vẫn giữ được giá. Theo những người trồng táo ở đây, đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Nếu thương lái bỏ mối ở các tỉnh miền ngoài như Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội… thì nhiều khi thiếu hàng để bán, trong khi thương lái nào bỏ sỉ cho Đồng Nai, Bình Dương hay TP. HCM lại “kẹt” vì việc vận chuyển hàng hóa khó khăn hơn. Vì thế sẽ nảy sinh trường hợp, cùng trồng táo trong 1 xã nhưng người bán được, người lại không. 

Được biết, gần 50 ha táo ở xã Phong Phú đều được trồng nhà lưới, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho ra những trái táo to, giòn ngọt, an toàn cho người sử dụng. Để nâng cao chất lượng trái táo, nông dân Phong Phú đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất. Đồng thời, Hội Nông dân xã cũng đã thành lập 2 tổ phát triển cây táo, với trên 37 thành viên, xúc tiến trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm khẳng định cây trồng lợi thế trên vùng đất nắng gió. Tuy nhiên, để người nông dân không phải loay hoay, thấp thỏm tìm đầu ra cho nông sản, ngoài nỗ lực của người nông dân, thì chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, siêu thị cần kết nối, có sự hỗ trợ kịp thời để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, đặc biệt khi dịch Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp thời gian tới.

Minh Vân