Bình Thuận: Hàng loạt công trình trong điểm sẽ là bệ phóng sớm đưa La Gi lên thành phố
Xã hội - Ngày đăng : 09:05, 22/09/2021
Thị xã La Gi là đô thị hạt nhân nằm trong vùng kinh tế phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận. Nơi đây cách TP Hồ Chí Minh 151 km, cách TP Biên Hòa (Đồng Nai) 126km, TP Bà Rịa Vũng Tàu 87km và TP Đà Lạt (Lâm Đồng) 250 km, trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của vùng.
Đặc biệt, thị xã La Gi có 28 km chiều dài bờ biển và sở hữu nhiều di tích, thắng cảnh nên du lịch - dịch vụ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được La Gi quan tâm phát triển. Với những tiềm năng vượt trội về địa lý, cơ sở hạ tầng cùng tiềm năng to lớn là du lịch nghỉ dưỡng, nên những năm qua bất động sản khu vực này đã thu hút rất nhiều “ông lớn” đến đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 42 dự án du lịch được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng diện tích 568,05ha và tổng vốn đầu tư 3.547,08 tỷ đồng.
Đứng trước nhiều cơ hội, đánh giá được tầm quan trọng của việc quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông đối với việc phát triển của địa phương, nên những năm qua thị xã La Gi đã đầu tư hoàn thiện nhiều tuyến đường quan trọng trong vùng và vùng liên kết.
Hiện tại, QL55 là một trong những tuyến đường trọng điểm được thị xã La Gi kiến nghị đầu tư để phát triển. QL55 có điểm khởi đầu tại TP Bà Rịa, đi qua các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), Hàm Tân, thị xã La Gi, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận), Bảo Lâm, Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Đây là con đường kết nối 2 vùng kinh tế Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Với thị xã La Gi và huyện Hàm Tân, QL55 bắt đầu từ km52+640, ranh giới 2 tỉnh Bà Rịa – 5 Vũng Tàu và Bình Thuận, thuộc địa phận xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân và điểm cuối là km97+692, thuộc địa phận thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, với chiều dài toàn tuyến khoảng 44,77km. Đặc biệt đoạn nối từ trung tâm thị xã La Gi đến trung tâm huyện Hàm Tân từ km83+150 đến km97+292, chiều dài khoảng 14 km. Đây là tuyến trục xương sống qua huyện Hàm Tân kết nối thị xã La Gi, các thị trấn với trung tâm huyện Hàm Tân, kết nối với tuyến QL1A và đường bộ cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.
Mới đây, dự án trên đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ký Quyết định số 1903 đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án 85 tiếp nhận toàn bộ kết quả nghiên cứu, đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận để tổ chức lập báo cáo chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường trên theo dự án nhóm B cùng với một số tuyến quốc lộ trong cả nước….Tổng mức đầu tư dự kiến mà Ban quản lý Dự án 85 đưa ra theo phương án 1 là 821,370 tỷ đồng.
Theo đó, tuyến đường được đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng, đoạn quy hoạch đường nội thị thị xã La Gi (km77+461 - km79+220 & km81+280 - km82+355) phần lề đất được thay thế bằng hệ thống rãnh dọc. Các đoạn ngoài khu dân cư: Bề rộng nền đường là 12m; bề rộng mặt đường làn xe cơ giới là 7m…
Khi tuyến Quốc lộ 55 được đầu tư, nâng cấp sẽ đưa vị trí La Gi thành tâm điểm kết nối giao thương, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và vùng Tây Nguyên. Từ đây, giúp La Gi phát huy hết các tiềm năng, lợi thế hiện có để phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng, đặc biệt phát triển ngành du lịch, phát triển dịch vụ logistics; cải thiện điều kiện lưu thông, đảm bảo an toàn giao thông.
Song song với Quốc lộ 55, tuyến đường đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, ĐT. 719B và đường Hàm Kiệm - Tiến Thành cũng đang được đẩy nhanh xây dựng. Những công trình này đều mang lại lợi ích to lớn cho thị xã La Gi, đặc biệt là cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.
Theo ông Nguyễn Hữu Trung – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận: Tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều dài 160 km, quy mô 6 làn xe, có tổng mức đầu tư 12.500 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2022, công trình này sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Những địa phương có đường cao tốc đi qua sẽ có điều kiện phát triển cũng như được hưởng lợi do tuyến cao tốc này mang lại thông qua nút giao liên thông (còn gọi là nút exit). Trên 160 km này, Bình Thuận có 7 điểm kết nối như vậy, trong đó thị xã La Gi có 2 điểm. Theo đó một trục sẽ nối cao tốc từ ngã ba 46 trên QL1A, rồi từ đó đi thẳng đến thị xã La Gi theo QL55. Song song với trục này, trục còn lại cũng nối cao tốc với một điểm giao trên QL1A, từ đó đia qua thị trấn Tân Minh, xã Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân) và kết nối với QL55 để đến La Gi.
“Chính yếu tố này sẽ giúp cho thị xã La Gi kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm. Từ đó thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương, tạo bệ phóng để La Gi ngày càng phát triển”, ông Trung khẳng định.
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với quyết tâm đưa La Gi phát triển nhanh, bền vững, nhằm thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Thường vụ Thị ủy đề xuất chủ trương xây dựng thị xã La Gi lên thành phố trực thuộc tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý với đề xuất xây dựng La Gi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Đồng thời khẳng định La Gi là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế phía nam của tỉnh và kết nối với Bà Rịa – Vũng Tàu. Do vậy, La Gi phải xác định rõ tiềm năng, lợi thế, lựa chọn giải pháp đột phá để thực hiện với quyết tâm cao và những nhiệm vụ cụ thể. Trong quá trình đó, Ban Thường vụ Tỉnh cũng yêu cầu Ban Thường vụ Thị ủy La Gi cần quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tích cực tham gia xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng Quy hoạch thị xã đảm bảo khả thi, có tầm nhìn xa để định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của thị xã trong thời gian tới. Đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp, phát triển đô thị theo Chương trình phát triển đô thị thị xã La Gi đến năm 2035 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Bảo Ngọc