Đâu rồi nghề cất vó trên suối Cát

Đời sống - Ngày đăng : 10:27, 23/09/2021

BT- Nói đến nghề cất vó thì ai cũng nghĩ đến là nghề của nông dân ở miền sông nước. Thế nhưng, ở khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh thì cứ vào mùa mưa khi con suối Cát nước ngấp nghé bờ, bà con đồng bào người Chăm, hầu hết là phụ nữ đã có tuổi thường ra đây để hành nghề cất vó. Trước đây, mỗi lần vó cất lên là cá trắng đáy lưới với nhiều loại, đủ kích cỡ. Còn bây giờ cất vó lên nhiều khi chẳng được con nào.

Đã nửa tháng 8 âm lịch rồi nhưng cá vẫn chưa xuôi dòng, mặc dù con suối Cát đã nhiều lần nước lên, rồi xuống. Bà Thông Thị Chuyền, năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn, đang mạnh tay kéo chiếc vó rộng chừng 4 m2 gần chân cầu Suối Cát. Bà cho biết đã làm nghề cất vó trên con suối này ngót nghét 30 năm rồi. Từ khi con đường 25/12 băng qua suối Cát vẫn còn đường đất, chiếc cầu bắc qua suối còn là chiếc cầu sắt chứ không phải bằng bê tông kiên cố, vững chắc như bây giờ. Trước đây, mỗi lần kéo vó lên, cá rất nhiều, đủ loại như cá lăng, cá chốt, cá trắng đỏ mang, cá chạch, cá trèn, nhiều nhất là cá kim và cá trắng nhỏ (cá lòng tong). Mỗi lần kéo như thế là được vài lạng cá, có ngày được cả 2 gùi cá. Thế nhưng, bây giờ mỗi lần kéo chỉ được vài con cá lòng tong nhỏ, có khi chẳng có con nào.

Mấy ngày nay do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa to, nước sẽ đổ về nhiều, hy vọng cá trên nguồn sẽ chạy về. Nên từ 5 giờ sáng, bà Chuyền đã chuẩn bị đồ nghề gồm: vó, gùi, lưới đựng cá, ca xúc cá… để ra suối Cát chọn một vị trí thuận lợi nhất để cất vó. Vị trí bà chọn là giao nhau giữa 2 nguồn nước từ con mương nhỏ trên cánh đồng lúa đổ ra hòa vào dòng nước của con suối. Đây cũng là vị trí mà với kinh nghiệm làm nghề lâu năm bà đúc kết được. Bởi vì cá thường ghé lại đây để kiếm thức ăn. Có được vị trí tốt, nhưng mỗi lần cất vó cũng chỉ được vài con cá lòng tong, có lần chẳng được con nào. Dù vậy, bà Chuyền vẫn kiên trì ngồi cả ngày. “Bởi thời điểm này tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, chẳng làm gì ra tiền, ngồi đây kéo vó kiếm cá để cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày, còn có nhiều cá để bán thì hơi khó” - bà Chuyền nói. 

Thượng nguồn của suối Cát nối liền với Thác Bà, nơi có nguồn nước chảy quanh năm. Phía hạ lưu của nó hòa vào sông La Ngà cũng nước quanh năm. Cách đây vài năm, huyện Tánh Linh đã tiến hành chỉnh trang đô thị và một đoạn của con suối này được xây kè kiên cố, tạo ra một khu vực khang trang, sạch đẹp. Những vị trí cất vó thuận lợi, nhiều cá trước đây như dưới chân đập suối Cát không còn nữa. Kiếm được vị trí cất vó hiện nay cũng rất khó. Hơn nữa cá hiện nay rất ít nên số lượng người hành nghề cất vó cũng giảm đáng kể. Nếu như trước đây, dọc theo suối Cát có hàng chục người hành nghề thì bây giờ chỉ còn vài người. Cũng có những người ra cất vó chỉ để thỏa mãn thú vui, hoặc để hồi tưởng lại dĩ vãng xa xưa. 

Ngọc Khánh