Làm nông nghiệp trong thế “tam nông”
Kinh tế - Ngày đăng : 10:13, 28/09/2021
Từ việc thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, nông dân huyện Tuy Phong đã tập trung chuyển đổi và phát triển cây trồng lợi thế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thâm canh, tăng năng suất, nhất là áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm, nhà lưới, kỹ thuật chăm sóc, lai tạo giống mới… Tại thời điểm năm 2008, sản lượng lúa tại huyện chỉ đạt 16.414 tấn/năm thì đến năm 2020, diện tích lúa gieo trồng bình quân 5.500 ha/năm; từ sản xuất 1 vụ/năm chuyển sang sản xuất 2 - 3 vụ/năm, năng suất và sản lượng đạt 33.927 tấn, tăng 106,7%; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng từ khâu làm đất cho đến thu hoạch đối với cây lúa đã đạt 100%. Cùng với đó, diện tích cây thanh long ruột đỏ từ 72 ha năm 2017 tăng lên 250 ha năm 2020; cây táo từ 17 ha năm 2017 lên 50 ha năm 2020. Đặc biệt, đã phát triển mạnh giống nho Hồng Nhật ở xã Phước Thể gắn với mô hình tham quan, du lịch sinh thái.
Thu hoạch lúa ở Tuy Phong. Ảnh: Đình Hòa |
Nếu như trước kia, vấn đề “được mùa mất giá” và “bí” đầu ra tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là bài toán khó đối với nông dân thì nay từng bước gỡ dần “nút thắt” quan trọng này. Nhất là việc hình thành các mô hình sản xuất tập trung, xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp, các hợp tác xã để hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Cũng từ đó, năm 2020 đã có 8 sản phẩm của 5 chủ thể tham gia dự thi đánh giá, xếp hạng, có 8/8 sản phẩm được xếp hạng 3 sao và đủ điều kiện tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm 3 - 4 sao cấp tỉnh. Trước đây, các vùng đất cát, đất gò đồi ở các xã Chí Công, Bình Thạnh đến Phong Phú, Vĩnh Hảo hầu như hoang hóa, nhưng với mục đích tận dụng tối đa đất sản xuất, chính quyền địa phương tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại lợi ích. Và, nhiều nơi đưa vào trồng rất hiệu quả cây sầu riêng, bơ, bưởi da xanh... mà lâu nay chưa hề có trên vùng đất Tuy Phong. Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa tập trung trang trại, gia trại và đã hình thành theo từng vùng, trong đó có 15 trang trại chăn nuôi được đầu tư bài bản với các loại vật nuôi chủ lực như bò, cừu Canada, dê Úc, heo, vịt, gà.. đem lại nguồn thu nhập khá cao. “Khi thực hiện mô hình nông nghiệp mang tính ứng dụng khoa học, công nghệ, người nông dân biết nhiều kỹ thuật hơn nên chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm được nâng lên, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường”- ông Nhữ Quốc Thích - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ.
Hơn 13 năm qua, xu hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn mới tại địa phương có sự gắn kết ngày càng tốt hơn với phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Với tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển và số lượng phương tiện tàu thuyền trên 1.455 chiếc, kinh tế thủy sản đã phát triển mạnh về khai thác và nuôi trồng, sản lượng khai thác tăng dần qua các năm. Cơ cấu thuyền nghề khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng tăng thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ, gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ cho khai thác hải sản, trong đó có 13 doanh nghiệp chế biến đông lạnh, khô và thu mua, sơ chế hải sản, chế biến nước mắm xếp loại đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất tôm giống quan tâm đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, do đó trong những năm qua sản lượng ổn định và phát triển, giữ vững chất lượng giống và thương hiệu tôm giống Tuy Phong đáp ứng nhu cầu cung cấp tiêu thụ giống trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tuy Phong cũng đã kêu gọi và hỗ trợ các nhà đầu tư vào những lĩnh vực mà huyện có thế mạnh để phát triển kinh tế. Điều rất đáng ghi nhận đó là huyện đã đầu tư hơn 880,571 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường giao thông, hệ thống thủy lợi, kè biển, điện thắp sáng, trường học, đưa 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và hướng đến năm 2025 có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được lồng ghép với giảm nghèo, giải quyết việc làm; nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, từ 15,7% (năm 2011) xuống còn 0,78% (năm 2020), bình quân giảm từ 1,2 - 1,5%/năm, nhưng thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 44,6 triệu đồng/năm, tăng 28,71 triệu đồng so năm 2010.
Tại Tuy Phong: HTX Long Điền 1 liên kết với Công ty giống cây trồng Nha Hố (Ninh Thuận) tiêu thụ 150 tấn lúa mỗi năm, Nhà máy xay xát tiêu thụ 500 tấn lúa mỗi vụ; HTX Long Hương liên kết với Công ty Hưng Nông Phát (Phan Thiết) tiêu thụ 100 tấn lúa mỗi năm; HTX Phước Thể liên kết Doanh nghiệp Tư Thành tiêu thụ sản phẩm cây nho, sản lượng khoảng 300 tấn mỗi năm, đồng thời liên kết với Công ty cổ phần nông nghiệp R&D – TP. Hồ Chí Minh bao tiêu các sản phẩm rau, củ, quả do HTX sản xuất, với sản lượng 24 tấn; Doanh nghiệp tư nhân Xuân Ánh - thị trấn Liên Hương sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mực ống (150 - 200 tấn/năm). |
MINH CHIẾN